Người Italy ngày càng thờ ơ với văn hóa nghệ thuật

Số lượng người Italy đến các bảo tàng, các cuộc triển lãm văn hóa đã giảm đến mức khó tin trong năm 2013.
Người Italy ngày càng thờ ơ với văn hóa nghệ thuật ảnh 1Khách du lịch bên Khán đài La Mã cổ ở thị trấn Pula. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Số lượng người Italy đến các bảo tàng, các cuộc triển lãm văn hóa và nghệ thuật ở một đất nước vốn là cường quốc trên lĩnh vực này đã giảm đến mức khó tin trong năm 2013.

Báo cáo mới công bố của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) và Hiệp hội quốc gia của các cơ quan văn hóa và bảo tàng của Italy (Federculture) cho thấy, trong năm 2015, cứ trung bình 100 người thì chỉ có 25 người ít nhất một lần đặt chân đến các hoạt động trên.

Trong khi đó, vào năm 2010, theo điều tra của hai cơ quan này, cứ 100 người thì có 30 người ít nhất một lần đi xem triển lãm, vào các bảo tàng và tham gia các hoạt động văn hóa khác.

Federculture cho rằng vấn đề không phải ở tiền bạc mà có lẽ ở việc người Italy, trong khó khăn về tài chính, cũng không còn tâm trí để thực hiện những hoạt động mà trước nay họ vẫn luôn được đánh giá cao là những người yêu nghệ thuật.

Ngay cả khi các bảo tàng cho người vào xem miễn phí, số lượng cũng vẫn giảm. Trong năm 2012 và năm ngoái, số người Italy đến các bảo tàng trong dịp miễn phí giảm 2,5 triệu lượt so với hai năm trước đó.

Các số liệu thống kê khác của Federculture cũng cho thấy lượng khán giả Italy đến các nhà hát giảm mạnh.

Năm 2009, trung bình 21% số người lớn đi nhà hát thì vào năm 2013, con số này là xấp xỉ 18%. Năm 2010, cứ 100 thanh niên thì 21 người đi xem các buổi biểu diễn ca nhạc. Năm ngoái, con số này chỉ là 17.

Một cuộc điều tra dư luận hai năm trước cho thấy, 53,7% người Italy thích xem phim và đi xem ít nhất một lần trong năm. Năm ngoái, chỉ còn 27% người Italy có hứng thú đến rạp chiếu phim, khi họ giành nhiều thời gian hơn cho việc xem phim miễn phí trên máy tính hoặc tivi.

Xét trên các vùng, sút giảm nhiều nhất là ở các vùng phía Bắc Italy, nhất là ở Venice, một trong trung tâm văn hóa và nghệ thuật lớn nhất nước này, với 40% số lượng người tham quan ít hơn năm 2012.

Nơi duy nhất không cho thấy dấu hiệu tiêu cực nào là thủ đô Rome, nơi có số lượng bảo tàng và các khu di tích cổ thuộc loại nhiều nhất nước. Trong năm 2013, số lượng người Italy đến các buổi biểu diễn âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển, tăng 3%, trong khi số người đến thăm các công trình khảo cổ tăng 2%.

Trả lời phỏng vấn tạp chí l'Espresso, ông Roberto Grossi, chủ tịch Federculture cho rằng một trong những nguyên nhân khiến người Italy không quan tâm nhiều đến các hoạt động văn hóa nghệ thuật nữa chính là việc nhà nước cắt giảm nguồn kinh phí cho các hoạt động văn hóa. Điều đó khiến các hoạt động này không hấp dẫn, thiếu sáng tạo và nhàm chán.

Trong 10 năm qua, ngân sách cho Bộ Văn hóa và Di sản của Italy, cơ quan quản lý trên lĩnh vực này, đã bị cắt giảm 1 tỷ euro, và theo dự kiến, trong các năm tài chính từ 2014 đến 2016, số vốn này sẽ bị cắt thêm 100 triệu euro nữa.

Ông Grossi dự đoán rằng bức tranh về văn hóa nghệ thuật của Italy trên khía cạnh thu hút người dân đến xem để nâng cao đời sống văn hóa của mình trong năm 2014 sẽ còn ảm đạm hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục