Người Italy "dốt" tiếng Anh, đối tác nước ngoài nản lòng

Theo báo chí Italy, một số giám đốc điều hành kinh doanh nước ngoài đang tỏ ra thất vọng với các đối tác Italy bởi khả năng tiếng Anh kém.
Người Italy "dốt" tiếng Anh, đối tác nước ngoài nản lòng ảnh 1Tại một hội thảo, Thủ tướng Enrico Letta nói bằng tiếng Anh nhưng các chuyên gia nước này lại thảo luận bằng tiếng Italy. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Theo báo chí Italy, một số giám đốc điều hành kinh doanh nước ngoài đang tỏ ra thất vọng với các đối tác Italy của mình bởi khả năng tiếng Anh kém. Thậm chí có những đối tác còn có thể không nói được tiếng Anh.

Nhiều địa phương của đất nước hình chiếc ủng còn có một sự ác cảm đối với tiếng Anh. Tờ La Repubblica nhận xét, điều này là một trở ngại lớn cho nền kinh tế của Italy.

Đơn cử như khi các nhà quản trị doanh nghiệp quốc tế và các chính trị gia của Italy hội thảo về tương lai của Italy trong một hội thảo mới đây được tổ chức ở Roma, mặc dù chương trình được sắp đặt sử dụng tiếng Anh và Thủ tướng Enrico Letta tóm tắt tình hình kinh tế của đất nước bằng tiếng Anh, nhưng ngay sau đó, các chuyên gia Italy lại thảo luận về triển vọng kinh doanh ở Italy bằng tiếng Italy.

Elisabeth Holvik, nhà quản lý của Ngân hàng Sparebank 1 có trụ sở tại Oslo cho biết quyết định sử dụng tiếng Italy gây thất vọng cho đoàn đại biểu doanh nghiệp Nauy khi đến tham gia một sự kiện do nhật báo tài chính Financial Times. Cô cảm thấy "không công bằng cho những người đã phải đi hàng ngàn dặm" để tham gia sự kiện tại Roma.

Sau hội thảo, Elisabeth Holvik thổ lộ rằng, sự thất vọng của cô chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm của mình khi phải vật lộn với quá trình kinh doanh ở Italy, nơi doanh nghiệp của cô có một số khách hàng tại đây.

"Hệ thống kinh doanh của Italy là một trở ngại, nó quá phức tạp, do vậy bạn thực sự cần một người biết tiếng Anh tại địa phương để hiểu và dịch tất cả mọi thứ," cô nói. Mặc dù các đại biểu tại hội thảo được cung cấp tai nghe có phiên dịch nhưng việc sử dụng chúng gặp khó khăn do có thể bị sai sót trong khi dịch.

Holvik tin rằng, những người Italy sử dụng tiếng Anh mà không có khả năng, hoặc miễn cưỡng là một trở ngại đối với Italy, vì thế theo cô Italy "cần phải thay đổi cách tiếp cận" để cạnh tranh hiệu quả hơn ở cấp quốc tế. "Nếu bạn thực sự muốn người nước ngoài đầu tư tại Italy, bạn nên nỗ lực để làm cho họ cảm thấy được hoan nghênh, điều đầu tiên là sử dụng ngôn ngữ kinh doanh quốc tế, tiếng Anh," cô nói.

Quan điểm của Holvik đã được Luigi Viglione, một luật sư tại Roma ủng hộ nhiệt tình. Luigi Viglione cũng cho rằng, do nhiều người Italy không có khả năng sử dụng tiếng Anh, nên các doanh nghiệp nước ngoài không tiếp cận được thị trường này.

Viglione giải thích, "đó là một trở ngại, bất cứ khi nào tôi cần phải dịch một tài liệu cho khách hàng nước ngoài, tôi phải thuê một thông dịch viên, điều này rất tốn kém. Tôi chỉ biết tiếng Anh cơ bản và không có ai trong số các nhân viên của tôi có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo.”

Vì thế, đối với Holvik, việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Italy quyết định nói tiếng Italy trong khi họ thông thạo tiếng Anh lại thể hiện một "vấn đề quan điểm." "Họ nhận thức mình là quốc gia có nền ngôn ngữ, văn hóa truyền thống lâu đời và việc thích ứng sử dụng một ngôn ngữ khác sẽ khó khăn hơn so với các quốc gia nhỏ bé khác, như Nauy, nơi thương xuyên phải giao tiếp bằng tiếng Anh," Holvik tâm sự.

Fabrizio Goria, phóng viên tài chính trang tin tức Linkiesta cho rằng, vấn đề ngoại ngữ giải thích nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp Italy thu hút rất ít đầu tư nước ngoài. Nhưng có lẽ cũng do nguyên nhân về tâm lý này, các doanh nghiệp Italy ít hướng đến dòng vốn đến từ nước ngoài.

Dù những hạn chế về tiếng Anh gây ra bất lợi cho các doanh nghiệp Italy, nhưng Luigi Viglione tin rằng quan điểm đang dần dần được thay đổi. "Tiếng Anh là ngôn ngữ số một trên thế giới, điều này rất quan trọng. Tôi nghĩ mọi người Italy đang bắt đầu nhận ra vấn đề, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Thế hệ trẻ Italy đang bắt đầu hiểu tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh," Viglione nói.

Do đó, để đẩy nhanh quá trình sử dụng tiếng Anh cũng như thúc đẩy triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Italy, Holvik cho biết Italy cần phải tăng cường sử dụng tiếng Anh ở mọi cấp độ xã hội. Thiết lập chiến dịch quốc gia để tăng cường sự quan tâm và tập trung vào các trường học để học tiếng Anh, lớp trẻ Italy cần phải học từ khi còn nhỏ để giao tiếp và để trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu, Italy không thể chỉ ngồi chờ đợi để mọi người đến với mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục