Người hùng và tội đồ tại vòng chung kết World Cup 2014

Câu ngạn ngữ “Cái đẹp chỉ trong mắt của người ngắm nhìn” dường như rất phù hợp với những nhân vật chính diện hay phản diện của bộ phim kinh điển World Cup 2014.
Robben bị lên án sau pha cú ngã "định mệnh" loại Mexico. (Nguồn: AP)

Câu ngạn ngữ “Cái đẹp chỉ trong mắt của người ngắm nhìn” dường như rất phù hợp với những nhân vật chính diện hay phản diện của bộ phim kinh điển World Cup 2014. Trong mắt người này đó có thể là anh hùng, nhưng với người khác thì lại là kẻ tội đồ.

Dưới đây là 5 đề cử cho mỗi hạng mục "tranh giải" Anh hùng - Tội đồ của giải bóng đá lớn nhất hành tinh:

Tội đồ

 

1. Arjen Robben (Hà Lan)

 

Người Hà Lan bay (hay người Hà Lan ngã vờ) này xứng đáng có mặt ở cả hai danh sách. Robben đã có những phút thi đấu tuyệt vời khi đạt phong độ cao. Thế nhưng trong trận bán kết, khi đất nước cần anh nhất, "cầu thủ có đội chân pha lê" lại mất dạng. Tiền đạo cánh 30 tuổi này luôn làm hoa mắt người xem với những ngón tiểu xảo của mình. Tài đánh lừa trọng tài của anh luôn làm cổ động viên đối phương tức giận, trong khi cổ động viên đội nhà thì xấu hổ.

 

2. Luis Suarez (Uruguay)

Tân binh của câu lạc bộ Barcelona (Tây Ban Nha) có thể đã được liệt vào danh sách người hùng nếu anh tiếp nối những gì đã thể hiện với 2 bàn thắng vào lưới tuyển Anh chỉ một tháng sau khi phẫu thuật đầu gối. Tuy nhiên, thói quen cắn đối phương của Suarez đã quay trở lại, và cái vai của Giorgio Chiellini là minh chứng cho điều đó. Ban đầu bác bỏ, nhưng sau đó lại xin lỗi về sai lầm của mình, Suarez làm dấy lên những nghi ngờ về việc Barcelona đã yêu cầu anh “xuống nước” nếu muốn đặt chân đến xứ Catalan.

 

3. Sulley Muntari và Kevin-Prince Boateng (Ghana)

 

Vốn là những người hùng của 4 năm trước, song lại bị đuổi về nước đầy nhục nhã trước trận đấu cuối cùng của tuyển Ghana ở vòng bảng với Bồ Đào Nha. Muntari, một gã trai hư có tiếng đã tấn công một quan chức của Liên đoàn bóng đá Ghana trong khi Boateng thì công khai sỉ vả huấn luyện viên Kwesi Appiah.

 

Phát biểu sau khi "Những ngôi sao Đen" thua Bồ Đào Nha 1-2 và phải xách va li về nước, huấn luyện viên Appiah nêu rõ: “Nếu bạn muốn xây dựng một đội tuyển và cho tới khi có kỷ luật, bạn luôn cần đặt mọi thứ ở đúng chỗ để không ảnh hưởng đến đội bóng trong tương lai”.

 

4. Benoit Assou-Ekotto (Cameroon)

Cú húc đầu của anh vào đồng đội Benjamin Moukandjo cuối trận thua 0-4 trước Croatia đã là cái kết không thể tồi tệ hơn cho chuyến phiêu lưu của “Những chú sư tử bất khuất” ở Brazil. Huấn luyện viên Volker Finke đã mô tả hành động của anh là “đáng ghê tởm.”

 

Ngôi sao 30 tuổi sau đó giải thích rằng hành động húc đầu này là do thất vọng với việc Moukandjo không nghe lời khuyên chuyền cho anh trong cả hai trận gặp Mexico và Croatia. “Khi tôi nói với cậu ấy chuyền cho tôi, cậu ấy trả lời rằng: ‘Tránh xa tôi ra’. Tôi không thể chấp nhận phản ứng đó. Trận đấu đó có quá nhiều nỗi thất vọng,” Assou-Ekotto trả lời tờ L’Equipe.

 

Người hùng

 

1. Mario Goetze (Đức)

 

Tài năng và vẻ điển trai của cầu thủ 22 tuổi này khiến nhiều người phải ghen tị. Goetze sẽ mãi mãi là người anh hùng ở Đức với cú volley thần sầu của anh mang về cho đất nước này cúp vàng lần thứ tư, và là lần đầu tiên cho nước Đức sau thống nhất. "Super Mario" không khác gì một võ sỹ quyền anh khi hạ knock-out cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 4 lần liên tiếp Lionel Messi cũng như các đồng đội Argentina.

 

2. James Rodriguez (Colombia)

 

Chân sút này đã khiến sự vắng mặt của Radamel Falcao không còn là nỗi lo lớn đối với tuyển Colombia nữa khi anh ghi tới 6 bàn thắng và hai lần kiến tạo cho đồng đội. Rodriguez cũng cho thấy sự trưởng thành của mình khi giữ được cái đầu lạnh trong lúc các cầu thủ Brazil vận dụng lối chơi thô bạo và đầy khiêu khích ở vòng tứ kết.

James Rodriguez. (Nguồn: Getty Images)

3. Yohan Cabaye (Pháp)

 

Ngoài sự trình diễn xuất sắc trên sân đấu trong màu áo "Gà trống Gaulouis," sự can thiệp đầy bản lĩnh của Cabaye khi một số cầu thủ tuyển Pháp - cụ thể là Morgan Schneiderlin và Bacary Sagna - nói rằng họ đáng ra phải vô địch sau khi đứng đầu bảng đã khiến người ta phải hết lời ca ngợi tiền vệ gốc Việt này. “Thực tế chúng tôi đã thể hiện chất lượng của mình ở vòng bảng khiến chúng tôi tự tin hơn chứ không phải kiêu ngạo, nếu không chúng tôi sẽ gặp vấn đề lớn,” cầu thủ 28 tuổi cho thấy thái độ khiêm tốn.

 

4. Guillermo Ochoa (Mexico)

 

Tới vòng chung kết World Cup trong tình trạng thất nghiệp khi Ajaccio của Pháp xuống hạng, Ochoa giờ đang là món hàng đáng thèm khát trên thị trường chuyển nhượng. Màn trình diễn ấn tượng của anh trong trận hòa 0-0 với Brazil và ở trận gặp Hà Lan tại vòng 1/8 chắc chắn sẽ giúp anh có bến đỗ mới.

 

“Thật khó tin (về pha bắt bóng từ cú dứt điểm của Neymar). Có thể nhiều không biết rõ anh ấy vì Ochoa chơi cho một đội bóng nhỏ, nhưng đối với những người làm việc với anh ấy hàng ngày, đó không hẳn là bất ngờ,” trung vệ Hector Moreno cho biết.

 

5. Cesare Prandelli (Italy)

 

Ông luôn có những tiêu chuẩn khác biệt với tư cách một người đàn ông và một huấn luyện viên, rút khỏi vai trò của mình khi vợ bị ốm - sau này bà đã qua đời - và phạt các cầu thủ của mình nếu họ hành xử không đúng mực trong và ngoài sân đấu. Vì thế ông không hề ngập ngừng khi Italy không thể vượt qua vòng bảng và nhận trách nhiệm về mình, đồng thời tuyên bố từ chức trong buổi họp báo sau trận đấu. 

“Tôi chịu mọi trách nhiệm cho thất bại của chúng tôi. Thật vô nghĩa nếu tôi ngồi đây và nói tôi đã có thể làm khác. Đó là lý do tại sao tôi từ chức,” huấn luyện viên 56 tuổi thừa nhận./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục