Người Hồi giáo ở Indonesia chuẩn bị đón Tết Năm mới Idul Fitri

Theo lịch Hồi giáo, Tết Idul Fitri thường được tổ chức ngay sau tháng Ramadan (tháng nhịn ăn) và dao động từ tháng Sáu đến tháng Chín hàng năm.
Người Hồi giáo ở Indonesia chuẩn bị đón Tết Năm mới Idul Fitri ảnh 1 Đường phố Jakarta được trang hoàng rực rỡ mừng lễ Idul Fitri. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Người Hồi giáo ở Indonesia đang chuẩn bị đón Lễ Idul Fitri - Tết Năm mới của người theo đạo Hồi. Đây dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo và thường kéo dài khoảng một tuần.

Theo lịch Hồi giáo, Tết Idul Fitri thường được tổ chức ngay sau tháng Ramadan (tháng nhịn ăn) và dao động từ tháng Sáu đến tháng Chín hàng năm, tùy theo lịch của đạo Hồi. Một nhóm các chức sắc của Nhà thờ Hồi giáo sẽ quyết định chọn “Ngày đầu năm” sau khi quan sát mặt trăng ở ba vị trí khác nhau trên lãnh thổ Indonesia. Năm nay, ngày đầu tiên của năm Hồi giáo 1436 được xác định là ngày 17/7/2015.

Cũng giống như phong tục Tết cổ truyền của người dân Việt Nam, trong dịp này, dù đang ở đâu, làm gì, mọi tín đồ Hồi giáo đều cố gắng về quê để sum họp gia đình, gặp gỡ ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thích. Đây cũng là dịp để mọi người chúc phúc cho nhau và xin được tha thứ, thông cảm bỏ qua mọi lỗi lầm.

Tùy theo khả năng kinh tế và địa vị xã hội mà mỗi gia đình Hồi giáo tổ chức Openhouse (ăn tết) lớn hay nhỏ để mời người thân, bạn bè, hàng xóm đến dự. Trẻ em được người lớn “mừng tuổi” bằng những đồng tiền mới để cầu chúc cho sự may mắn, mạnh khỏe.

Trong dịp này các hoạt động từ thiện cũng được đẩy mạnh nhằm chia sẻ những trách nhiệm xã hội, hỗ trợ những người nghèo, người kém may mắn trong xã hội.

Việc làm từ thiện cũng được các tín đồ Hồi giáo chú trọng và thực hiện trong suốt tháng Ramadan. Các thánh đường Hồi giáo đều phát bữa ăn miễn phí cho người nghèo khi mặt trời lặn. Những người giàu có hơn cũng chia sẻ với người nghèo các túi “quà” gồm trà, đường, dầu, gạo…

Mỗi dịp trước lễ, dòng người di chuyển giữa các thành phố, vùng miền trong cả nước là rất lớn và thường gây ra sự ùn tắc giao thông, đặc biệt là ở các nhà ga, bến tàu, sân bay. Những năm gần đây, do kinh tế khó khăn và nạn tắc đường nên nhiều người Indonesia đã chọn phương tiện xe máy để về quê.

Năm nay, để giảm tai nạn giao thông của người đi xe máy, chính phủ Indonesia đã tổ chức các điểm vận chuyển miễn phí xe máy cho người dân đến các nhà ga, bến tàu và có kế hoạch bố trí, điều hành giao thông. Tuy nhiên, hiện tượng ùn tắc vẫn không thể khắc phục được triệt để do nhu cầu di chuyển của người dân trong dịp này là quá lớn.

Những ngày cuối cùng của tháng Ramadan, hàng ngàn người vẫn đang bị mắc kẹt tại cảng Merak ở tỉnh Banten. Tình trạng này cũng tương tự ở nhiều bến tàu, nhà ga và trên các tuyết đường cao tốc.

Từ trước tháng lễ Ramadan, nhu cầu về các loại hàng hóa đều tăng mạnh, các trung tâm mua sắm, siêu thị đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa các loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ của người dân, nhất là các loại lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Đây cũng là dịp hàng hóa được khuyến mại lớn để kích thích tiêu dùng trong nước.

Trong dịp tháng Ramadan và lễ Idul Fitri, nhu cầu tiền mặt là rất lớn, Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo nhu cầu dòng chảy tiền mặt trong dịp này là từ 119.000-125.000 tỷ rupiah, tăng nhẹ so với mức 124.800 tỷ rupiah của năm 2014.

Để chuẩn bị cho người dân đón tết, Công ty điện lực quốc gia Indonesia (PLN) đã cam kết đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định trong dịp lễ và trong suốt kỳ nghỉ. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc PLN Sofyan Basir, trên thực tế, việc sử dụng điện trong dịp lễ tại các khu dân cư không tăng mà lại có xu hướng giảm thấp.

Nguyên nhân là do theo phong tục của người Hồi giáo trong dịp này thường sum họp gia đình, bạn bè, vì vậy việc tiêu thụ điện chỉ tập trung vào một số ít gia đình và những ngôi nhà khác không tiêu thụ điện năng. Ngòai ra, nhiều gia đình cũng chọn hình thức đi du lịch để tận hưởng kỳ nghỉ.

Indonesia là một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo. Chính vì vậy trong một năm có rất nhiều lễ, tết của các tôn giáo, tộc người khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là bốn dịp Tết là Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Tết Depavali của người Indonesia gốc Ấn, Lễ Idul Fitri.

Tết Dương lịch được coi là Tết chung của tất cả mọi tôn giáo, sắc tộc, tổ chức vào ngày 1/1 hàng năm. Đêm 31/12, không khí trên đường phố Jakarta rất náo nhiệt trong không khí đón giao thừa, ngắm pháo hoa và pháo sáng thường kéo dài từ 10 giờ đêm 31/12 tới 2-3 giờ sáng 1/1.

Tết Âm lịch của người Indonesia gốc Hoa, theo lịch mặt trăng, thường cùng thời gian với Tết của Việt Nam. Trong những ngày này ở khu phố Trung Quốc hoặc đi qua những khu phố có người gốc Hoa sinh sống, đâu đâu cũng ngập tràn sắc đỏ của hoa, quất và các đồ trang trí ngày tết. Các Trung tâm thương mại lớn cũng trang hòang rực rỡ và đều có dòng chữ “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Hoa.

Tết Depavali của người Indonesia gốc Ấn mang ý nghĩa, nguồn gốc và đậm nét văn hóa của đạo Hindu, thường diễn ra vào tháng Ba hoặc tháng Tư hàng năm theo lịch của người Ấn.

Idul Fitri là Tết lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo và được nghỉ dài ngày nhất ở Indonesia bởi số người theo đạo Hồi chiếm tới 86% trong số 250 triệu dân của quốc đảo.

Năm nay, người dân Indonesia cùng với hơn 1 tỷ người Hồi giáo trên thế giới lại cùng nhau đón một năm mới với mong muốn hòa bình và những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người trên tòan thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục