Đã bao lần vẽ ra rồi lại bỏ đi, chị đến với hội họa không phải để kiếm tìm một vị trí danh vọng nào đó mà đơn giản chỉ để thỏa giấc mơ từ thời thơ bé: muốn được cầm cây cọ để vẽ về những miền quê, những con đường đã qua bằng chính những cảm nhận, những xúc cảm của riêng mình.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với nữ nghệ sỹ Bảo Hiền, người luôn mang trong mình ước vọng về những bức tranh thực sự truyền tải được cái hồn, nét thần thái riêng của quê hương làng cảnh Việt Nam và một trung tâm bảo trợ nghệ thuật nhằm ươm mầm, chắp cánh cho những ai say mê với nghệ thuật hội họa, được bắt đầu một cách giản dị như vậy.
“Sao mẹ… không đi học vẽ?”
Ở vào tuổi ngũ tuần, gương mặt chị hằn in dấu ấn thời gian. Nhìn dáng điệu dịu dàng, vẻ đằm thắm bề ngoài, ít ai ngờ, cuộc đời chị cũng đã đi qua không ít sóng gió và hành trình đến với nghệ thuật chuyên nghiệp của chị cũng thật lắm gian nan.
Với nụ cười thâm trầm, chị kể về những ngày ấy trong sự xúc động nghẹn ngào. Mang trong mình tình yêu, niềm đam mê với hội họa, ngay từ thuở bé thơ, cô bé Bảo Hiền đã luôn khát khao được học vẽ. Nhưng khi đó, với chị, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ.
“Khi ấy, điều kiện kinh tế còn quá nhiều khó khăn. Chứng kiến nỗi nhọc nhằn của cha, sự tảo tần của mẹ trong cuộc sống mưu sinh, tôi không thể đành lòng đòi cha mẹ cho đi học vẽ,” chị kể, đôi mắt rưng rưng.
Hiểu được đam mê của con gái và bản thân cũng là người yêu thích những hình khối, những mảng màu sắc, “cha vẫn luôn động viên tôi vẽ và tôi cũng đã vẽ về những gì xung quanh mình bằng tất cả sự thích thú cùng những cảm nhận hồn nhiên nhất khi ấy; dù chất liệu chỉ đơn giản là những mẩu than củi, vài mảnh bìa…” chị chia sẻ.
Ước mơ về những bộ màu, những cây cọ vẽ… theo đó mà ám ảnh trong tâm hồn cô bé Bảo Hiền. “Lúc nào mình cũng nghĩ đến những bức tranh, đến việc vẽ và ngồi đâu cũng có thể vẽ,” chị bồi hồi nhớ lại.
Dần dần, việc vẽ đã trở thành thói quen hàng ngày với chị. Hễ lúc nào rảnh là chị vẽ.
Thế nhưng, cuộc sống đời thường với biết bao lo toan đã cuốn chị theo. Hạnh phúc có phần không trọn vẹn. Vừa làm cha lại vừa làm mẹ, “có những lúc thói quen vẽ hàng ngày như bị lãng quên,” chị thú thực.
Rồi đến một ngày, trước câu hỏi của con trai “Mẹ vẽ đẹp thế, sao mẹ không đi học vẽ?” thì bỗng chị giật mình nghĩ ra: “Ừ nhỉ, sao mình không đi học vẽ nhỉ,” họa sỹ Bảo Hiền tâm sự.
Ngã rẽ sang những nẻo đường quê
Đang mặn chuyện, bỗng, người đàn bà trước mặt tôi lặng phắc. Đôi mắt chị đăm đăm nhìn vào một khoảng không xa xôi nào chẳng rõ.
Giọng trầm trầm, chị kể. Rằng, thời gian đó, chị mới chuyển vào Sài Gòn. Cuộc sống với bao khó khăn chồng chất, nhất là đối với một người mẹ đơn thân như chị. Đến với lớp học vẽ ở Nhà văn hóa Phụ nữ Thành phố, khi ấy, chị tuyệt nhiên chưa hề nghĩ rằng mình sẽ đi sâu vào con đường hội họa chuyên nghiệp. Trong suy nghĩ của chị, đó vẫn là một ước mơ thật xa xôi.
Nhưng rồi, giấc mơ ấy hóa ra lại ào đến và được hiện thực hóa trong cuộc sống nhanh hơn chị vẫn tưởng rất nhiều.
Với chị, ban đầu, học vẽ chỉ là học chép tranh. Dù chưa phải là học sáng tác nhưng với mỗi bức họa mẫu, “mình đều cố gắng lặn sâu vào đó, kiếm tìm những ấn tượng đặc biệt để chép lại bằng chính sự cảm nhận riêng của mình,” chị bật mí.
Điều đặc biệt ấy đã làm nên nét riêng cho chính những bức tranh chép của chị. Tài năng, chất nghệ sỹ riêng trong những sáng tác của chị sau này cũng bắt đầu được khơi nguồn từ đây.
Cho đến tận bây giờ, những cảm nhận kiểu như vậy vẫn theo Bảo Hiền trên từng bước đường nghệ thuật. Với mỗi miền quê, mỗi con đường đã qua, “mình luôn muốn lắng lại để ngắm nhìn, cảm nhận và trải nghiệm những suy tư trước cảnh vật, con người,” người nghệ sỹ đa sầu đa cảm chia sẻ.
Chỉ tay về phía những bức tranh bột màu là kết quả của cuộc hành trình đi khắp miền đất nước, giọng chị nghẹn lại. Để có được những bức họa này, không ít đêm chị đã chong đèn thức trắng; rồi những khó khăn về mặt kinh tế khi theo đuổi giấc mơ nghệ thuật cũng không ít lần khiến chị “đau đầu.”
“Nhiều người bảo tôi gàn dở vì không chịu bán tranh nhưng tôi tâm niệm, những bức tranh ấy là một phần con người mình. Tôi sẽ để lại chúng cho con trai như một món quà quý giá,” chị thành thực.
Nhìn về phía dòng người đang tấp nập ngược xuôi, chị nói: “Những nghệ sỹ chuyên nghiệp luôn muốn kiếm tìm và khẳng định vị trí riêng của mình trong làng nghệ thuật và trong lòng công chúng. Nhưng với riêng mình, vẽ tranh chỉ đơn giản bởi… thích và muốn tìm lại chính mình trong đó. Bởi vậy, những gì vẽ ra mà không thực sự thích, mình sẵn sàng bỏ đi, dù vẫn có người trả giá cao.”
Cuộc sống với nhiều biến động, thăng trầm, có những lúc chị thấy mình thật nhỏ bé, cô đơn giữa dòng đời xuôi ngược. Trống vắng, buồn lặng. Càng như vậy, chị lại càng muốn vẽ. “Cầm cây cọ trên tay, thả hồn mình theo những xúc cảm phiêu bồng, mình như lạc vào một thế giới khác để tìm một điểm tựa, định vị lại chính mình trong chính cuộc sống thực này,” ánh nhìn xa xăm, chị trải lòng./.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với nữ nghệ sỹ Bảo Hiền, người luôn mang trong mình ước vọng về những bức tranh thực sự truyền tải được cái hồn, nét thần thái riêng của quê hương làng cảnh Việt Nam và một trung tâm bảo trợ nghệ thuật nhằm ươm mầm, chắp cánh cho những ai say mê với nghệ thuật hội họa, được bắt đầu một cách giản dị như vậy.
“Sao mẹ… không đi học vẽ?”
Ở vào tuổi ngũ tuần, gương mặt chị hằn in dấu ấn thời gian. Nhìn dáng điệu dịu dàng, vẻ đằm thắm bề ngoài, ít ai ngờ, cuộc đời chị cũng đã đi qua không ít sóng gió và hành trình đến với nghệ thuật chuyên nghiệp của chị cũng thật lắm gian nan.
Với nụ cười thâm trầm, chị kể về những ngày ấy trong sự xúc động nghẹn ngào. Mang trong mình tình yêu, niềm đam mê với hội họa, ngay từ thuở bé thơ, cô bé Bảo Hiền đã luôn khát khao được học vẽ. Nhưng khi đó, với chị, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ.
“Khi ấy, điều kiện kinh tế còn quá nhiều khó khăn. Chứng kiến nỗi nhọc nhằn của cha, sự tảo tần của mẹ trong cuộc sống mưu sinh, tôi không thể đành lòng đòi cha mẹ cho đi học vẽ,” chị kể, đôi mắt rưng rưng.
Hiểu được đam mê của con gái và bản thân cũng là người yêu thích những hình khối, những mảng màu sắc, “cha vẫn luôn động viên tôi vẽ và tôi cũng đã vẽ về những gì xung quanh mình bằng tất cả sự thích thú cùng những cảm nhận hồn nhiên nhất khi ấy; dù chất liệu chỉ đơn giản là những mẩu than củi, vài mảnh bìa…” chị chia sẻ.
Ước mơ về những bộ màu, những cây cọ vẽ… theo đó mà ám ảnh trong tâm hồn cô bé Bảo Hiền. “Lúc nào mình cũng nghĩ đến những bức tranh, đến việc vẽ và ngồi đâu cũng có thể vẽ,” chị bồi hồi nhớ lại.
Dần dần, việc vẽ đã trở thành thói quen hàng ngày với chị. Hễ lúc nào rảnh là chị vẽ.
Thế nhưng, cuộc sống đời thường với biết bao lo toan đã cuốn chị theo. Hạnh phúc có phần không trọn vẹn. Vừa làm cha lại vừa làm mẹ, “có những lúc thói quen vẽ hàng ngày như bị lãng quên,” chị thú thực.
Rồi đến một ngày, trước câu hỏi của con trai “Mẹ vẽ đẹp thế, sao mẹ không đi học vẽ?” thì bỗng chị giật mình nghĩ ra: “Ừ nhỉ, sao mình không đi học vẽ nhỉ,” họa sỹ Bảo Hiền tâm sự.
Ngã rẽ sang những nẻo đường quê
Đang mặn chuyện, bỗng, người đàn bà trước mặt tôi lặng phắc. Đôi mắt chị đăm đăm nhìn vào một khoảng không xa xôi nào chẳng rõ.
Giọng trầm trầm, chị kể. Rằng, thời gian đó, chị mới chuyển vào Sài Gòn. Cuộc sống với bao khó khăn chồng chất, nhất là đối với một người mẹ đơn thân như chị. Đến với lớp học vẽ ở Nhà văn hóa Phụ nữ Thành phố, khi ấy, chị tuyệt nhiên chưa hề nghĩ rằng mình sẽ đi sâu vào con đường hội họa chuyên nghiệp. Trong suy nghĩ của chị, đó vẫn là một ước mơ thật xa xôi.
Nhưng rồi, giấc mơ ấy hóa ra lại ào đến và được hiện thực hóa trong cuộc sống nhanh hơn chị vẫn tưởng rất nhiều.
Với chị, ban đầu, học vẽ chỉ là học chép tranh. Dù chưa phải là học sáng tác nhưng với mỗi bức họa mẫu, “mình đều cố gắng lặn sâu vào đó, kiếm tìm những ấn tượng đặc biệt để chép lại bằng chính sự cảm nhận riêng của mình,” chị bật mí.
Điều đặc biệt ấy đã làm nên nét riêng cho chính những bức tranh chép của chị. Tài năng, chất nghệ sỹ riêng trong những sáng tác của chị sau này cũng bắt đầu được khơi nguồn từ đây.
Cho đến tận bây giờ, những cảm nhận kiểu như vậy vẫn theo Bảo Hiền trên từng bước đường nghệ thuật. Với mỗi miền quê, mỗi con đường đã qua, “mình luôn muốn lắng lại để ngắm nhìn, cảm nhận và trải nghiệm những suy tư trước cảnh vật, con người,” người nghệ sỹ đa sầu đa cảm chia sẻ.
Chỉ tay về phía những bức tranh bột màu là kết quả của cuộc hành trình đi khắp miền đất nước, giọng chị nghẹn lại. Để có được những bức họa này, không ít đêm chị đã chong đèn thức trắng; rồi những khó khăn về mặt kinh tế khi theo đuổi giấc mơ nghệ thuật cũng không ít lần khiến chị “đau đầu.”
“Nhiều người bảo tôi gàn dở vì không chịu bán tranh nhưng tôi tâm niệm, những bức tranh ấy là một phần con người mình. Tôi sẽ để lại chúng cho con trai như một món quà quý giá,” chị thành thực.
Nhìn về phía dòng người đang tấp nập ngược xuôi, chị nói: “Những nghệ sỹ chuyên nghiệp luôn muốn kiếm tìm và khẳng định vị trí riêng của mình trong làng nghệ thuật và trong lòng công chúng. Nhưng với riêng mình, vẽ tranh chỉ đơn giản bởi… thích và muốn tìm lại chính mình trong đó. Bởi vậy, những gì vẽ ra mà không thực sự thích, mình sẵn sàng bỏ đi, dù vẫn có người trả giá cao.”
Cuộc sống với nhiều biến động, thăng trầm, có những lúc chị thấy mình thật nhỏ bé, cô đơn giữa dòng đời xuôi ngược. Trống vắng, buồn lặng. Càng như vậy, chị lại càng muốn vẽ. “Cầm cây cọ trên tay, thả hồn mình theo những xúc cảm phiêu bồng, mình như lạc vào một thế giới khác để tìm một điểm tựa, định vị lại chính mình trong chính cuộc sống thực này,” ánh nhìn xa xăm, chị trải lòng./.
Phương Mai (Vietnam+)