Người "hô biến" những chiếc mặt nạ Tuồng ở Bình Định thành món quà văn hóa

Để lan truyền cho loại hình Tuồng quê hương, ông Trần Ngọc Vân (63 tuổi) đã vẽ lại những lớp hóa trang cầu kỳ của các diễn viên lên chất liệu composite, biến mỗi tác phẩm thành một món quà văn hóa.

Nói đến nghệ thuật văn hóa dân gian tại Việt Nam thì không thể bỏ qua Tuồng (hay còn gọi là Hát bội). Loại hình này thường mang âm hưởng hùng tráng, ngợi ca các nhân vật xả thân vì đại nghĩa, qua đó truyền tải các bài học về cuộc sống, về đạo làm người.

Nhiều năm nay, ông Trần Ngọc Vân (63 tuổi), một cựu chiến binh sống tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã dành phần lớn thời gian của mình cho việc vẽ mặt nạ Tuồng trên chất liệu composite. Mong muốn của ông là lan truyền tới những người xung quanh và bạn bè quốc tế các câu chuyện đằng sau mỗi khuôn mặt đầy ấn tượng này.

Theo lời ông Vân, kể từ khi trở về từ chiến trường K, ông làm nhiều việc rồi dần bén duyên với công tác việc quảng bá du lịch-văn hóa quê hương. Dẫu không được đào tạo về mỹ thuật, người nghệ sỹ "tay ngang" này vẫn say mê tìm hiểu rồi vẽ nên những mặt nạ tuồng bắt mắt để du khách quốc tế đem đi muôn nơi. Điều này đã truyền cảm hứng cho chị Đinh Thị Thu Duyên - một họa sỹ trẻ đồng hương - cùng tham gia.

Ông Vân bảo rằng trong tuồng, các tuyến nhân vật chính diện, phản diện và các nét tính cách đặc trưng khác đều được thể hiện qua thái độ, cử chỉ và lời nói. Vì vậy những “mặt nạ tuồng” hay lớp trang điểm tuồng, thể hiện qua các màu sắc và họa tiết, cũng phải cho thấy rõ điều này.

Không phải ngẫu nhiên mà Bình Định nổi tiếng với Tuồng. Đây là vùng đất ươm mầm hai danh nhân Đào Duy Từ và Đào Tấn - những người được coi như "ông tổ" của nghệ thuật Tuồng đất Việt. Chưa kể, Tuồng Bình Định đặc trưng so với các vùng khác nhờ động tác dứt khoát, đậm chất võ.

Vì vậy việc hai chú cháu theo đuổi và nuôi dưỡng đam mê mỗi ngày cũng chính là cách làm sống mãi những giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc và đậm đà này của xứ nẫu Bình Định nói riêng và tại Việt Nam nói chung./.

(Vietnam+)