Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ cố doanh nhân Trịnh Văn Bô, người đã hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng trong Tuần lễ vàng năm 1945, đồng thời là chủ nhân cũ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã qua đời vào đêm 5/11, tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội), hưởng thọ 104 tuổi.
May mắn được tiếp xúc với cụ Hoàng Thị Minh Hồ vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ấn tượng của chúng tôi về cụ là một người phúc hậu, mang đậm phong thái của một phụ nữ Hà Nội gốc và vô cùng tinh thông dù tuổi đã cao.
Khi đó, sức khỏe yếu, giọng nói không được tròn vành nhưng cụ vẫn nhớ rành rọt công việc kinh doanh của gia đình những năm 30-40 của thế kỷ trước, những đóng góp cho cách mạng và những ngày chăm lo cho Bác Hồ cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng tại căn nhà 48 Hàng Ngang.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914, tại Hà Nội, là con gái nhà nho yêu nước và là thương gia nổi tiếng Hoàng Đạo Phương.
Lớn lên, cụ lập gia đình với nhà tư sản Trịnh Văn Bô, tiếp nối truyền thống gia đình buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Ngang.
Nhớ lời cha dặn: “Cha già cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện thì giúp nước thay cha” cụ Hoàng Thị Minh Hồ luôn có tâm nguyện làm việc gì đó đóng góp cho cách mạng và giúp đỡ nhân dân.
Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô có những đóng góp to lớn cho cách mạng.
[Những kỷ vật tại nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập]
Thời điểm đó, hưởng ứng Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, đồng thời vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ trên 1.000 lạng nữa.
Nạn đói năm 1945, gia đình cụ còn mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo cho người đói ngoài đường.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình cụ chính là nơi Trung ương Đảng chọn làm cơ sở hoạt động, đón Bác Hồ về ở và làm việc trong thời gian từ ngày 24/8 - 27/9/1945, chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời và cả trong những ngày đầu Chính phủ đã ra mắt.
Đặc biệt, tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo ra bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Gia đình cụ dành trọn tầng 2 ngôi nhà làm nơi ở và làm việc cho Bác Hồ và các đồng chí trong Trung ương Đảng, đảm bảo sự bí mật và thuận lợi.
Trong thời gian này, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã tận tụy phục vụ cơm nước, chăm lo cho Bác mà không hề biết rằng đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày Tuyên ngôn độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời, gia đình cụ lại cung cấp phần lớn y phục cho Bác Hồ và các đồng chí trong Trung ương Đảng.
Với những cống hiến hết mình cho cách mạng, Bác Hồ đã xúc động bày tỏ: “Gia đình cô là ân nhân của cách mạng.”
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được Nhà nước công nhận là Di tích cách mạng, trưng bày các hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở đây.
Anh Trịnh Cần Chính, con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ chia sẻ niềm tự hào từ một gia đình tư sản được giác ngộ cách mạng, tham gia Việt Minh và cống hiến sức lực, của cải cho cách mạng.
Anh Trịnh Cần Chính xúc động cho biết, trước khi ra đi cụ vẫn căn dặn con cháu cố gắng làm ăn, kinh doanh tốt để có điều kiện giúp đỡ những người nghèo khó.
Dẫu biết rằng, sinh-lão-bệnh-tử là quy luật tự nhiên nhưng sự ra đi cụ của Hoàng Thị Minh Hồ vẫn để lại bao tiếc thương cho mọi người. Bởi không chỉ có nhiều đóng góp cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ còn được coi là hình mẫu doanh nhân đầu tiên của Việt Nam với tài đức vẹn toàn./.