Dù tất bật ngược xuôi mưu sinh, nhưng từ sớm chiều 15/7 âm lịch (tức 7/8 dương lịch), những người Hà Nội đều trở về sum họp bên gia đình đón rằm tháng Bảy - ngày xá tội vong nhân và cũng là lễ Vu Lan báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, hướng về người thân đã quá vãng.
Nhà nào cũng chu đáo cho lễ cúng tổ tiên với cả tấm lòng thành kính hướng về miền tâm linh.
Mâm cơm kính hiếu
Ngôi nhà của vợ chồng ông Phạm Ánh ở phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chiều ngày rằm tháng Bảy đầy ắp những âm thanh náo nức. Đại gia đình 6 người, 3 thế hệ này đang tất bật chuẩn bị cho lễ cúng rằm tháng Bảy.
Ngoài phòng khách, anh Hà và anh Cường - hai người con trai lớn trong nhà - vừa cười đùa sảng khoái vừa giúp mẹ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn ghế. Phòng phía trong, ông Ánh đang thu sắp xếp gọn gàng, cẩn thận bàn thờ tổ tiên. Thỉnh thoảng, ông lại quay sang nhắc nhẹ đứa cháu đích tôn đang lúi húi nghịch đống đồ chơi.
Phía bếp, chị Hương, vợ anh Hà, đang cùng mẹ chồng bày biện hai mâm cơm cúng, một mâm là thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên, mâm còn lại cho lễ cúng vong nhân. Tiếng lanh canh của bát đĩa nghe thật vui tai.
Mâm cơm cúng thần linh mà ông bà Phạm Ánh bày lên bàn thờ hôm nay có con gà trống để nguyên con, chiếc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng, chai rượu trắng cùng mấy lon bia, đĩa hoa quả, trái cây và bình hoa mẫu đơn đỏ rực. Trên mâm cúng đặt một chút tiền vàng và vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy như quần áo, giày dép.
Còn mâm cúng vong nhân có vài bộ quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã, cốc gạo trộn lẫn với muối.
Bên mâm cơm cúng rằm, ông Ánh giảng giải cặn kẽ cho đứa cháu nội 4 tuổi về ngày rằm tháng Bảy, theo quan niệm dân gian là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng chúng sinh cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa. Đây là dịp thể hiện những ân tình mà người còn sống dành riêng cho những ai đã khuất.
“Vào dịp Vu Lan này, con cái dù ở đâu xa xôi cùng quây quần về bên cha mẹ để ôn lại những kỷ niệm, để ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của đấng sinh thành,” ông Ánh thong thả nói với cháu.
Bữa cơm sum họp trong rằm tháng Bảy được gia đình ông Ánh duy trì đã lâu. Những người con trong gia đình, dù đã khôn lớn, trưởng thành và lập gia đình riêng nhưng ngày này vẫn về bên đại gia đình.
Anh Phạm Hà, cán bộ Bệnh viện Phụ sản Trung ương thổ lộ, cả hai vợ chồng anh đều là cán bộ nhân viên nhà nước nên khá bận rộn. Nhưng ngày này, dù vướng công việc đến mấy vẫn về bên nhà để thắp nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
“Chúng tôi cũng chỉ mua sắm vừa phải, bày mâm cỗ cúng giản đơn mà ấm cúng, để khi thắp lên nén hương có thể cảm nhận được trong hương trầm vẫn vấn vương hình ảnh của ông bà, tổ tiên,” anh Hà nói.
Không riêng gia đình ông bà Phạm Ánh, dù tất bật ngược xuôi mưu sinh nhưng từ sớm chiều nay 15/7 âm lịch, nhiều gia đình người Hà Nội đều trở về sum họp bên nhau, hướng về miền tâm linh. Nhà nào cũng chu đáo cho lễ cúng tổ tiên với cả tấm lòng thành kính. Có nhà thì lo sắp mâm cỗ cẩn thận, cầu kỳ, có nhà thì làm mâm cỗ đơn giản với đĩa ngũ quả, một bát cháo trắng, một chút hương hoa, một ít bánh trái. Thế cũng đủ tỏ lòng thành.
Bông hồng cài áo
Sau lễ cúng thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên, những gia đình người Hà Nội lại cùng nhau lên chùa dự lễ Vu Lan. Tại những ngôi chùa lớn như chùa Trấn Quốc, chùa Hà, chùa Quỳnh…, chiều tối hôm nay đông nghịt. Xe máy xếp kín cả phía trong và ngoài cổng chùa. Vỉa hè người ngồi la liệt. Ngoài sân, hoa quả, bánh, chim phóng sinh được xếp thành một vòng tròn rộng. Tiếng tụng kinh xen lẫn tiếng gõ mõ đều đều.
Tại sân chùa Linh Ứng (Tương Mai, Hoàng Mai), khói hương nghi ngút, phật tử lẫn người ngoài đạo khắp nơi đổ về cầu cho cha mẹ, người thân sống đời cùng con cháu và dự nghi thức “bông hồng cài áo.”
Theo nghi thức này, hoa hồng đỏ, trắng tượng trưng cho mẹ, còn dải nơ trắng, xanh là tượng trưng cho cha. Hàng trăm người đến dự, tùy theo hoàn cảnh của mình mà cài hoa lên áo. Có những người còn rất trẻ phải rơm rớm nước mắt khi cài trên ngực mình bông hoa trắng, nơ trắng, ngậm ngùi nhớ đến đấng sinh thành đã khuất.
Trong tiếng kinh da diết, tại lễ đường có hai bà cháu đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhỏ chỉ chừng 9 tuổi. Bố mẹ và người chị gái hơn em 5 tuổi đã mất trong một vụ tai nạn giao thông. Em đi cùng bà dự lễ Vu Lan. Từ đôi mắt em, đôi dòng lệ lăn dài rồi em tủi thân khóc òa. Cả lễ đường không kìm được xúc động, nhiều người lặng lẽ lấy khăn tay chấm nước mắt.
Anh Lý Thanh Hải, 40 tuổi, phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, đứng gần đó xúc động tâm sự: “Cha mẹ tôi vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Mình được cài bông hồng đỏ, nơ xanh lên áo trong ngày lễ Vu Lan luôn là niềm hạnh phúc nhất trên đời. Nhưng cứ nghĩ đến công sức bố mẹ nuôi dưỡng đến ngày hôm nay là tôi lại dâng trào những cảm xúc khó tả.”
Chị Thanh Quế, phật tử chùa Linh Ứng, cho hay, gần một tuần nay, có khá đông khách thập phương từ khắp nơi về chùa cúng cầu siêu. Nói về nghi thức bông hồng cài áo, theo chị, ơn nghĩa sinh thành có thể lúc nào cũng mang trong tâm ý, nhưng mùa lễ Vu Lan giúp mọi người có dịp biểu hiện tấm lòng hiếu thảo một cách thiết thực nhất. Vì thế, những năm gần đây nghi thức này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo mà đã trở thành một dịp lễ trang trọng thể hiện lòng báo hiếu, tưởng nhớ đến các bậc sinh thành của tất cả mọi người.
“Lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhớ mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ”- Chị Thanh Quế nói./.