Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un

Được tôn vinh là một trong ba Nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam, với sở trường làm các món ăn truyền thống, bà Phạm Ánh Tuyết là người được chọn nấu Quốc yến thết đãi Chủ tịch Kim Jong-un.
Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 1Nghệ nhân ẩm thực truyền thống Ánh Tuyết (thứ 2 bên phái sang) trong lễ vinh danh là 1 trong 3 Nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam hồi tháng 3/2018. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người được chọn thực hiện bữa Quốc yến tại phủ Chủ tịch tối ngày 1/3 thết đãi Chủ tịch Kim Jong-un của phía Chính phủ Việt Nam chính là nghệ nhân ưu tú tri thức ẩm thực dân gian Phạm Ánh Tuyết, người được vinh danh là một trong ba Nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam.

Trước đó, gần đây nhất, bà cũng từng là người được chọn nấu Quốc yến tiếp Nguyên thủ 21 quốc gia dự tuần lễ cao cấp APEC, tại Đà Nẵng.

Là chuyên gia ẩm thực truyền thống Việt Nam, những món ăn của nghệ nhân Ánh Tuyết với hương vị riêng biệt đã tự mình định vị được thương hiệu trong lòng thực khách cũng như khẳng định được giá trị trước bạn bè quốc tế.

[Phóng viên được phục vụ miễn phí ẩm thực truyền thống Hà Nội]

Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 2Nghệ nhân Ánh Tuyết trong một buổi trực tiếp phục vụ món ăn cho các thực khách nước ngoài. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)

Người nắm giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội xưa

Là thế hệ thứ 7 của một dòng họ “danh gia vọng tộc” gốc Hà thành, bà Tuyết là người nắm trong tay “bí kíp” của những hương vị truyền thống đặc trưng của người Hà Nội xưa.

Bắt đầu làm quen với việc bếp núc từ năm lên 9, tất cả những gì tinh túy nhất bà Tuyết học được đều do bà và mẹ truyền thụ. Bà Tuyết hoàn toàn chỉ học từ bếp gia đình để có được tay nghề điêu luyện về ẩm thực truyền thống. Chặng đường đó đến nay cũng đã ngót 60 năm.

Ở nhà hàng Ánh Tuyết trên phố cổ do đích thân nghệ nhân này đứng bếp nổi tiếng với thực đơn chủ yếu là những món ăn của người Hà Nội, từng món ăn đều được làm vô cùng cầu kỳ.

Trong số đó, thực khách nước ngoài rất ấn tượng và thích món gà quay mật ong hương vị "lạ" không đâu có của nghệ nhân Ánh Tuyết. Món ngon mà bà Tuyết giữ như bảo vật không truyền bí quyết ra ngoài.

Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 3Món nem hương vị truyền thống của nghệ nhân Ánh Tuyết. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với món này, người ta chỉ biết, loại gà mà bà chọn là gà ta thả vườn ngọt thịt được tháo xương ướp cùng mật ong rừng rồi gia giảm cùng vài loại gia vị bí truyền cho ngấm rồi đem quay. Thịt gà thành phẩm có da giòn, thịt sẫm màu mật ong, ăn vào vị mật ong quyện vị mềm ngọt của thịt gà, được thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Có một món ăn ở đây đặc biệt thân quen nhưng lại mang hương vị rất riêng là món nem. Để làm cho ra vị nem rán truyền thống, theo nghệ nhân Ánh Tuyết, khâu chọn và chuẩn bị nguyên liệu vô cùng quan trọng.

Ví như bánh đa phải chọn loại tráng mỏng rồi gói kỹ trong lá su hào cho mềm, dai. Nhân nem hài hòa từ hành tây thái nhỏ, đến su hào, cà rốt, mộc nhĩ thái chỉ, thịt xay nhuyễn và trứng gà tươi ngon. Nem gói vừa vặn và tròn đều tay, rán lửa liu riu để nhân bên trong chín kỹ nhưng vỏ bên ngoài lại vàng và giòn rụm.

Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 4Món phở bò trứ danh của Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, nước chấm là linh hồn của món ăn này, phải được pha từ loại nước mắm thượng hạng, tỏi và ớt băm nhỏ nổi bề mặt, thêm chút chanh, tạo hương vị thanh và màu sắc hòa hợp.

Bên cạnh đó, những món ăn chuẩn vị Hà Nội do bà Tuyết làm sẽ khiến thực khách không khỏi hoài niệm "cả trời thương nhớ" với món bóng xào, cá quả kho riềng… hay trải nghiệm một mâm cỗ Tết cầu kỳ và đủ vị: nem rán, nộm hoa chuối, gà hấp lá chanh, su hào xào mực rối, cá kho riềng, bánh chưng, giò tai, chả quế, canh măng ninh móng giò, canh bóng thả, canh nấm và xôi gấc.

Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 5Nguyên liệu làm chả rươi, một món ngon ở Hà Nội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Tâm nguyện của một nghệ nhân ẩm thực dân gian

Sau khi được vinh danh là một trong ba Nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam (cùng bà Tôn Nữ Thị Hà, bà Bùi Thị Sương) hồi cuối tháng 3/2018, nghệ nhân Ánh Tuyết bày tỏ ước muốn làm sao ẩm thực Việt có thể trở thành một thương hiệu mạnh và vươn tầm quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc.

Bà Ánh Tuyết bảo, có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, không ít lần bà được họ chia sẻ rằng, ẩm thực Việt Nam vừa phong phú với những món ăn không nhiều dầu, mỡ như đồ Trung Quốc, không cay giống Hàn Quốc, vừa đẹp mắt, ngon miệng với các loại rau thơm. Thêm nữa, các gia vị của Việt Nam vô vùng phong phú, không chỉ là hương thơm mà còn là vị thuốc.

Được đánh giá cao như vậy, nhưng theo bà Ánh Tuyết, chúng ta cần tiếp tục xây dựng uy tín trên cơ sở an toàn thực phẩm, chế biến ngon, tiếp khách thân thiện... đồng thời đẩy mạnh truyền thông để quảng bá ẩm thực quốc gia.

Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 6Nguyên Tổng thống Mỹ Obama và đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain thưởng thức bún chả Hương Liên khi thăm Việt Nam năm 2016 (trước khi Anthony mất hồi 6/2018).

Thực tế, phở, bún chả, hay nem… hương vị truyền thống Việt Nam đã được công nhận là những món ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đặt chân đến dải đất hình chữ S.

Chẳng thế mà, hồi tháng 11/2000, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton khi đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải thử bằng được món phở, hay nguyên Tổng thống Mỹ Obama đã rất thích thú khi thưởng thức bún chả ở quán Hương Liên ở Hà Nội năm 2016… Điều này cho thấy ẩm thực Việt ngày càng có tiếng vang và được bạn bè quốc tế chú ý.

Vấn đề là, ngành du lịch Việt Nam muốn tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế bằng ẩm thực thì phải chọn lọc và nâng cấp những món ăn đậm hương vị truyền thống, độc đáo và khác biệt lên một tầm mới.

Người giữ hồn cốt ẩm thực Hà Nội nấu Quốc yến tiếp ông Kim Jong-un ảnh 7Món bún thang được chọn phục vụ phóng viên quốc tế tại trung tâm báo chí Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, tại Hà Nội ngày 27/2. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn thấy “mỏ vàng” này của Việt Nam, giáo sư Philip Kotler, chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới đã phải lên tiếng gợi ý cho ngành du lịch nước nhà rằng: “Hãy đưa Việt Nam trở thành ‘bếp ăn của thế giới’.”

Nếu thực sự bắt tay vào kiến tạo, đó sẽ là một “bếp ăn” quy tụ những gì tinh túy nhất của truyền thống dân tộc, trở thành niềm tự hào và sức hút mới cho du lịch Việt Nam thêm tỏa sang./.

Theo số liệu Hội Lữ hành Ẩm thực thế giới thống kê cho thấy, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Trong khi đó, Báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực chỉ ra, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.

Do đó, du lịch ẩm thực được xác định là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nhân tố thứ 3 sau văn hóa, điều kiện tự nhiên quyết định và ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến của du khách.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục