Trong bối cảnh Chính phủ Đức đang bất đồng về chính sách tiếp nhận người tị nạn, người dân nước này lại thể hiện rõ sự ủng hộ đối với việc siết chặt chính sách nhập cư.
Cuộc thăm dò dư luận do hãng Infratest dimap công bố tối 15/6 cho thấy 62% số người được hỏi ủng hộ việc từ chối những người xin tị nạn mà không có giấy tờ nhập cảnh vào Đức cấp tại các cửa khẩu của nước này.
Đây cũng là một trong những nội dung chủ chốt trong đề xuất của Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, nhưng Thủ tướng Angela Merkel đã bác bỏ.
Trong khi đó, 86% người Đức được hỏi mong muốn nhanh chóng cho hồi hương những người nhập cư không được cấp quy chế tị nạn.
Hơn 1.000 người Đức đã tham gia trả lời trong cuộc thăm dò này.
Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền tại nước Đức hiện đang chia rẽ về chính sách tiếp nhận người tị nạn.
Là Chủ tịch CSU, ông Seehofer từ lâu được biết đến là người thường chỉ trích quyết định của Thủ tướng Merkel mở cửa cho người tị nạn và nhập cư hồi năm 2015.
Bộ trưởng Seehofer ủng hộ chính sách ngăn dòng người tị nạn đã đăng ký tại một nước châu Âu khác tràn vào Đức.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo tại thủ đô Berlin sau cuộc gặp với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cùng ngày 12/6, Thủ tướng Merkel nêu rõ bà phản đối kế hoạch ngăn dòng người tị nạn nói trên vào Đức, cho rằng nước này không nên hành động đơn phương mà châu Âu cần tìm giải pháp chung cho vấn đề di cư.
Theo thỏa thuận thành lập chính phủ đại liên minh, liên đảng bảo thủ CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã nhất trí duy trì việc tiếp nhận số người xin tị nạn mới tại nước này dưới mức 200.000 người/năm.
Chính sách mở cửa của Thủ tướng Merkel trong cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 đã giúp hơn 1 triệu người tị nạn nhập cư vào Đức.
Trong hai năm qua, số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh, tuy nhiên mỗi tháng nước này vẫn tiếp nhận khoảng 11.000 người xin tị nạn mới./.