Trong 4 năm qua, có 5 lần kiến trúc sư Đoàn Bắc vượt sóng ra Trường Sa để thực hiện nhiều bộ ảnh tư liệu quý giá về nơi máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Được gọi là “người đưa thư” của Trường Sa, Đoàn Bắc chính là tác giả của hai cuốn sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng” và “Đến với Trường Sa” (song ngữ Việt-Anh), góp phần đưa hình ảnh Trường Sa đến gần gũi hơn với người dân đất Việt cũng như bạn bè quốc tế.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Đoàn Bắc trước buổi tọa đàm "Tham vọng độc chiếm Biển Đông" tại Hội sách Hà Nội 2015 mà anh là người tham gia dẫn và kể chuyện…
Cập nhật thông tin Trường Sa
- Thưa kiến trúc sư Đoàn Bắc, đâu là lý do anh thực hiện các cuốn sách ảnh “kể chuyện” về Trường Sa?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Tôi có may mắn được Quân chủng Hải quân và Thông tấn xã Việt Nam tin tưởng mời tham gia dự án truyền thông về biển đảo với tên gọi "Trường Sa, Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế" từ đầu năm 2012. Từ đó đến nay, tôi đã được đi gần khắp các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc mình. Thực tế thì rất ít người có được may mắn đó, nên tôi cùng với các đồng sự muốn chia sẻ những gì mình đã tận mắt chứng kiến cho tất cả mọi người.
Những cuốn sách đó là một trong những thành tựu của dự án để đưa biển đảo gần gũi hơn với đất liền cũng như công chúng một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất.
- Đã có 5 lần ra Trường Sa chỉ trong 4 năm qua, anh thấy sự thay đổi của nơi đây như thế nào?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Lần đầu tiên tôi ra giữa Biển Đông là khi vừa xảy ra sự kiện tàu Trung Quốc làm đứt cáp của tàu Bình Minh (Việt Nam). Trong 4 năm qua, cơ sở vật chất, điều kiện sống của đồng bào và chiến sĩ của chúng ta trên huyện đảo Trường Sa đã được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cảnh vật thiên nhiên thì vẫn tuyệt vời như nó vốn có và tinh thần quyết tâm vượt mọi gian khổ để giữ vững từng tấc đất, tấc biển của người Việt Nam chúng ta vẫn không có gì có thể làm lay chuyển nổi.
- Câu chuyện anh muốn chia sẻ trong buổi tọa đàm “Tham vọng độc chiếm Biển Đông” sắp diễn ra là gì?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Tôi đã từng đồng hành cùng với giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương trong chuyến công tác đi Trường Sa vào năm 2013, sau đó tiếp tục được học hỏi và công tác với giáo sư trong một số nghiên cứu về Biển Đông [Giáo sư Trần Ngọc Vương là diễn giả tại buổi tọa đàm-pv]. Cuốn sách "Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông" do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản tháng 9/2015 là một minh họa cho sự phối hợp này.
Trong buổi tọa đàm tới, tôi muốn chia sẻ thêm những thông tin cập mới nhất về hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Ngay từ đầu năm 2014, tôi đã tận mắt chứng kiến và ghi lại tư liệu về các hành động này khi chúng mới bắt đầu ngay tại thực địa.
Chỉ vài tháng trước, tôi lại một lần nữa quay lại những nơi này và ở một khoảng cách rất gần từ khoảng 1 hải lý (như ở bãi đá Gạc Ma) tới hơn 2 hải lý (ở các bãi đá Tư Nghĩa, Châu Viên). Ngoài ra tôi cũng muốn chia sẻ thêm những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng mà đồng bào và chiến sĩ Trường Sa đã nhờ tôi chuyển lại cho đất liền yêu thương.
Diễn biến còn phức tạp
- Là một người nghiên cứu và tìm hiểu về Biển Đông, theo anh, diễn biến trên vùng Biển này sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Những diễn biến thực tế trên Biển Đông và những động thái của nhiều bên có liên quan đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng và tình hình căng thẳng sẽ khó có thể lắng dịu xuống. Sự căng thẳng này còn mở rộng cả trên các bàn nghị sự chính trị và ngoại giao, trong lĩnh vực truyền thông cũng như văn hóa xã hội.
Một cuộc đối đầu, xung đột về quân sự trên Biển Đông là điều mà không một ai yêu chuộng hòa bình trên thế giới này mong muốn, nhất là dân tộc Việt Nam của chúng ta. Nhưng chúng ta phải luôn luôn cảnh giác đối với mọi hành động liều lĩnh, bất chấp lẽ phải và luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong giai đoạn gần đây.
Giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng mà các thể hệ ông cha đã hy sinh bao xương máu để dành lại cho chúng ta là nghĩa vụ của tất cả người dân Việt Nam. Chúng ta còn nghèo nên càng cần phải đoàn kết nhau lại và phải đấu tranh hiệu quả, có phương pháp chủ động, khoa học trên mọi "mặt trận" từ quân sự - quốc phòng tới truyền thông và văn hóa; từ chính trị và ngoại giao tới kinh tế và khoa học công nghệ... Và, điều quan trọng nhất là phải kiên quyết không bao giờ lùi bước.
- Anh có suy nghĩ gì về cách nhìn nhận của giới trẻ Việt Nam với biển đảo quê hương. Qua buổi tọa đàm, anh muốn nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ hiện nay?
Kiến trúc sư Đoàn Bắc: Các bạn trẻ ngày nay tiếp cận chủ đề biển đảo mang tính cảm tính nhiều quá. Tôi cho rằng cần phải lý trí nhiều hơn nữa thì mới giữ vững được biển đảo, mới làm giàu từ biển đảo như nhiều quốc gia khác.
Tôi cho rằng, tình yêu với biển đảo và Tổ quốc của các bạn trẻ nên được hình thành, phát triển một cách tự giác chứ không nên tự phát. Đây cũng là điều mà Phó giáo sư, tiến sĩ, thiếu tướng công an Lê Văn Cương từng nhiều lần chia sẻ khiến tôi rất tâm đắc.
- Xin cảm ơn anh!