Người di cư tại biên giới Hy Lạp rơi vào cảnh "không thể sống nổi"

Hơn 14.000 người sinh sống trong trại tạm Idomeni và khu vực xung quanh trong đó nhiều trẻ em đã phải nhập viện vì nhiễm các loại virus và khó thở khi điều kiện vệ sinh ngày càng xuống cấp.
Người di cư tại biên giới Hy Lạp rơi vào cảnh "không thể sống nổi" ảnh 1Người tị nạn sống xung quanh khu trại Idomeni. (Nguồn: abc.net.au)

Ngày 13/3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo những người di cư tại trại tị nạn Idomeni ở biên giới phía Tây Bắc Hy Lạp giáp với Macedonia đang bị đẩy tới cùng cực.

Hơn 14.000 người đang mắc kẹt tại khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia sau khi Macedonia đóng cửa biên giới.

Người đứng đầu UNHCR Babar Baloch phát biểu sau chuyến thăm Idomeni cho biết điều kiện sinh hoạt của người di cư đang xuống cấp từng ngày và rơi vào tình trạng "không thể sống nổi."

Số người sinh sống trong khu trại tạm là 12.000 người trong khi 2.000 người khác vạ vật trên các cánh đồng ở xung quanh. Nhiều trẻ em đã phải nhập viện vì nhiễm các loại virus và khó thở khi điều kiện vệ sinh ngày càng xuống cấp.

Trong ngày 13/3, khoảng 200 người đã biểu tình kêu gọi mở của biên giới trong khi hàng ngày các cuộc biểu tình kiểu này vẫn liên tục nổ ra. Một ngày trước đó, Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ đẩy nhanh việc sơ tán người di cư tới các trại tị nạn khác trên lãnh thổ nước này để giảm áp lực cho trại tị nạn Idomeni.

Tuy nhiên, UNHCR kêu gọi Chính phủ Hy Lạp cần có biện pháp khẩn cấp hơn để khắc phục tình hình tại đây bởi số người đổ về khu vực này vẫn không ngừng gia tăng bất chấp điều kiện sống khốn khổ. Người di cư vẫn hy vọng các quốc gia trên lộ trình Balkan sẽ mở lại biên giới để họ tiếp tục hành trình tới miền đất hứa ở Tây và Bắc Âu sau Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17/3 tới.

Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng trung ương Hy Lạp cùng ngày thông báo chi phí hỗ trợ giải quyết khủng hoảng di cư sẽ đội lên và cao hơn mức 600 triệu euro dự tính được công bố hồi tháng trước.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết khoản chi phí này bao gồm khoản chi dành cho các chiến dịch cứu hộ, hỗ trợ lều bạt và hồi hương người tị nạn. Tuy nhiên, ước tính trước đó chỉ dựa trên giả thuyết Hy Lạp là quốc gia "trung chuyển" của người di cư.

Hồi tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng thừa nhận Hy Lạp cần được giúp đỡ trước làn sóng di cư đang tạo áp lực lớn lên nền kinh tế vốn đang dựa vào gói cứu trợ mới của quốc tế để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục