"Sống mòn" với cơn khát

Người dân vùng lũ "sống mòn" với cơn khát nước sạch

Người dân ở vùng rốn lũ miền Trung đã uể oải qua mấy ngày sống chung với lũ. Giờ, họ lại phải “sống mòn” với cơn khát nước sạch.
Cơn “đại hồng thủy” được xem là lịch sử tại miền Trung vừa qua, dù đi qua khá nhanh nhưng hậu quả để lại thì hết sức nặng nề. Người dân quê nghèo ở các vùng rốn lũ ấy đã uể oải qua mấy ngày sống chung với lũ. Giờ, họ lại phải “sống mòn” với cơn khát nước sạch trong những ngày vào Thu.

Khát… nước sạch

Những ngày này, ở bất cứ thôn xóm nào trên địa bàn xã Quảng Phú, Yên Giang và nhiều xã khác ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng bắt gặp hình ảnh những người dân còng lưng đi gánh từng xô nước vàng đục.

Có mặt tại xóm 13, xã Quảng Phú vào lúc trời còn chưa hửng sáng, chúng tôi đã bắt gặp những người phụ nữ tay xô, tay gáo cặm cụi múc nước, giặt đồ bên những vũng nước trũng. Những đứa trẻ ngâm mình dưới dòng nước đục ngầu.

Thấy khách lạ, bà Lại Thị Mười (xóm 13, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân,  tỉnh Thanh Hóa) xách vội xô nước đục ngầu vào nhà. Bên cái thùng đựng nước ăn còn đục màu của đất, bà hì hụi rửa lấy những củ khoai lang nhão nhét bùn, rồi cho vào chiếc nồi nước ngả màu, đun luộc.

Nhen đóm lửa, bà Mười bảo suốt hơn 1 tuần nay nhà bà chỉ dùng nguồn nước sông này để nấu ăn, luộc khoai rồi tắm giặt. Dù biết không an toàn, nhưng cũng đành phải chấp nhận.

“Khổ. Lũ cướp đi tất cả mọi thứ trong nhà rồi, giờ đã không có thóc gạo để ăn lại còn khát nước. Tôi thì sống chết cũng đành, nhưng thằng cháu nó con quá nhỏ,” bà Mười nghẹn ngào.

Kế đó chừng vài trăm mét, nhà bà Phạm Thị Linh (60 tuổi, ở thôn 13, xã Quảng Phú) cũng chịu cảnh khát nước sạch, trong nhà lẫn ngoài sân đâu đâu cũng xô chậu đựng nước đỏ ngần.

Dẫn khách vào trong căn nhà tan hoang sau lũ, bên xô nước còn hôi tanh mùi bùn, bà Linh ngán ngẩm: “Khát quá mới phải dùng thứ nước này thôi, đó là tôi bỏ thuốc diệt khuẩn nên mới lắng bớt đục đấy. Nhưng cũng vẫn lo lắm, vì có người nói dùng nhiều thuốc khử trùng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.”

Nước sông + CloraminB = Nước ăn

Nằm giáp ranh với xã lũ Quảng Phú, gần 1.000 hộ dân (bị ngập và ngập nặng- PV) ở vùng lòng chảo xã Yên Giang (huyện Yên Định, Thanh Hóa) cũng chịu cảnh khát nước sạch hơn 10 ngày qua.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ về cơn khát nước sạch, ông Mai Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Giang cho biết cơn lũ vừa qua đã nhấn chìm rất nhiều giếng nước của bà con, nên nguồn nước không tránh khỏi ô nhiễm.

“Để giúp bà con giải tỏa 'cơn khát,' cứ 5 ngày chính quyền địa phương lại hỗ trợ cho bà con 1 bình nước lọc. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã phát cho bà con những gói thuốc diệt khuẩn, phèn để tận dụng nguồn nước tự nhiên,” ông Hoàn nói.

Hiện nay, sông Cầu Chày là nơi cấp nước. Ăn nước lũ đỏ ngầu phù sa ở con sông này, hóa ra lại dễ chịu hơn bởi những cái giếng nước đào sau lũ đã ứ đọng các loại chất thải ô nhiễm.

Từ ngày lũ về, vấn đề nước sạch đang là nỗi ám ảnh đối với bất cứ người dân nào ở mảnh đất “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt” của các xã Quảng Phú, Yên Giang này.

Theo chân bà Đỗ Thị Thu (52 tuổi ở xóm 7, xã Yên Giang, huyện Yên Đinh) ra sông Cầu Chày lấy nước, nhìn dòng sông nước đỏ ngầu ấy, dường như bà cũng yên tâm hơn khi đã có thứ thuốc diệt khuẩn và phèn làm trong nước.

Cúi tấm lưng gầy, nhấc bổng gánh nước lên triền đê, bà bảo: “Vất vả lắm đó. Bao ngày trời thuê thợ đào giếng sâu tới 20m, thế mà cũng không dùng được vì nước đã bị ô nhiễm.”

Sau cái thở dài đầy vẻ ngán ngẩm, bà Thu tiếp đoạn: “Mấy ngày qua nước rút, cả xóm đều phải sử dụng nước sông này. Dù đục nhưng cứ múc về, bỏ thuốc khử trùng rồi cứ thế mà dùng thôi. Khát nước nên cả tuần nay tôi cũng chưa được tắm.”

Không chỉ riêng bà Thu, bà Linh, mà nhiều xã ở huyện Thọ Xuân, Yên Định cũng chung cảnh khát nước sạch như vậy. Bởi, sau lũ, những chiếc giếng đã bị phủ kín bùn đất, những thứ rác thải cứ lênh láng trên bề mặt và nặng mùi hôi thối...

Sau những ngày bám lũ với muôn vàn những khó khăn, giờ đây người dân ở những vùng rốn lũ của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã và đang phải áp dụng cách làm “sáng tạo”. Đó là, dùng thuốc diệt khuẩn CloraminB và phèn để có nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục