Người dân vùng cao tỉnh Lạng Sơn chủ động phòng chống rét đậm, rét hại

Giữa tháng 12 này, trên bàn tỉnh Lạng Sơn duy trì nền nhiệt độ rét đậm, rét hại nên cuộc sống của người dân tại một số địa phương vùng cao biên giới trong tỉnh phần nào bị ảnh hưởng.
Giáo viên luôn chăm sóc cho giấc ngủ của học sinh đặc biệt trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Giữa tháng 12 này, trên bàn tỉnh Lạng Sơn duy trì nền nhiệt độ rét đậm, rét hại nên cuộc sống của người dân tại một số địa phương vùng cao biên giới trong tỉnh phần nào bị ảnh hưởng.

Để chống chọi với trời rét lạnh "cắt da, cắt thịt," người dân đã tự chủ động các biện pháp giữ ấm.

Tại khu vực đỉnh núi Mẫu Sơn, huyện biên giới Lộc Bình luôn ghi nhận nhiệt độ đạt thấp. Độ ẩm không khí cao, tới ngưỡng 100% đã khiến toàn bộ khu vực chìm trong sương mù. Tới các bản người Dao sinh sống rải rác ven sườn núi Mẫu Sơn thời gian này dường như không thấy một bóng người ra ngoài; hãn hữu lắm mới thấy một vài người lẻ tẻ đi mua lương thực, bởi hầu hết người dân đều sinh hoạt trong nhà vì rét.

Trong những ngôi nhà của người Dao ở Mẫu Sơn, nhà nào cũng tích trữ củi để đun nấu, bếp lửa luôn được rực hồng để đối phó với cái rét tê buốt trong mùa đông.

Bà Hoàng Mùi Pham, ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Ngoài trời quá rét nên tôi không dám ra ngoài vì tuổi cao. Tất cả mọi người sinh sống quanh đây cũng luôn ở trong nhà vì có ra ngoài cũng không làm được gì, chỉ ở nhà sưởi ấm và làm việc nhà."

Còn tại các trường học ở vùng cao, nhiều trường đã phải cho học sinh nghỉ học tránh rét. Đối với các trường vẫn sinh hoạt giảng dạy, học sinh được đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo giữ ấm, cụ thể như tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú tiểu học và Trung học cơ sở xã Công Sơn, huyện biên giới Cao Lộc.

Năm học 2020-2021, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Công Sơn có tổng số 13 lớp gồm 207 học sinh, trong đó có 105 em ở bán trú. Là ngôi trường đứng chân trên địa bàn xã vùng cao của huyện Cao Lộc nhiệt độ vào mùa Đông nơi đây thường lạnh hơn các xã vùng thấp 3-5 độ C, không những thế tình trạng nồm ẩm thường xảy ra nên nguy cơ học sinh bị ốm do lạnh là rất cao. Chính vì thế, nhà trường đã chủ động cung cấp chăn màn đầy đủ, tránh trường hợp bị ốm, ho, sốt trong những ngày nền nhiệt thấp; quan tâm nhiều đến chế độ dinh dưỡng đối với các em ở bán trú, đảm bảo các em ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.

[Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ duy trì rét đậm, rét hại đến ngày 20/12]

Em Triệu Mùi Nảy, học sinh lớp 7, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Công Sơn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Em được hưởng chế độ bán trú; ngoài các chính sách theo quy định thì nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến đảm bảo giữ ấm giúp em và nhiều bạn khác không bị ốm trong những ngày mùa đông này. Được nhà trường quan tâm cấp chăn màn, ăn uống hợp lý nên bản thân em cảm thấy rất ấm áp, yên tâm học tốt."

Để đảm bảo giữ ấm khi các em học sinh học trên lớp, cô Ngô Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Công Sơn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện nhà trường đã tổ chức lắp rèm cửa để đảm bảo giữ ấm trong những ngày đông lạnh giá.

Vào những ngày rét đậm, Ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo các giáo viên bộ môn hạn chế các hoạt động ngoài trời; đặc biệt là ở những điểm trường xa; đồng thời tích cực tuyên truyền đến các phụ huynh trang bị cho các em quần áo, giày dép... Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm tặng các hiện vật như chăn màn, áo ấm để học sinh, nhất là các em khối tiểu học được ấm áp hơn khi đến trường...

Theo dự báo, tình trạng rét đậm, rét hại vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó chính quyền các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó khi nền nhiệt độ hạ thấp và nhất là bảo vệ sức khỏe cho người già, trẻ nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục