"Chúng tôi mong muốn các cử tri Việt Nam sẽ lựa chọn được các ứng cử viên có năng lực và đủ điều kiện để tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp".
Đây là chia sẻ của bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong bối cảnh phải đối phó với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền các cấp của Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử.
Bà Caitlin Wiesen bày tỏ sự ấn tượng trước bầu không khí chào mừng cuộc bầu cử sắp diễn ra trên khắp cả nước.
Các con phố ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác được trang hoàng bằng cờ Tổ quốc, băngrôn, ápphích chào mừng cuộc bầu cử.
Theo bà Caitlin Wiesen, người dân Việt Nam đang ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với Quốc hội và các vấn đề liên quan đến cơ quan quyền lực nhà nước.
Điều này được thể hiện ở mức độ tham gia cao của người dân vào các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Hơn 69 triệu cử tri sẽ đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào Chủ nhật 23/5.
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh bầu cử là cơ hội quan trọng để người dân thực hiện quyền lựa chọn người đại diện cho mình.
[Bầu cử Quốc hội: Cử tri cả nước rộn ràng, khẩn trương đón Ngày hội lớn]
Việc người dân tham gia chính trị rõ ràng bắt nguồn từ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó nêu bật quyền của mọi người được tham gia bình đẳng vào các công việc công, quyền bỏ phiếu và được ứng cử.
Bà Caitlin Wiesen nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946: "Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,v.v. Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".
Bà Caitlin Wiesen khẳng định, 75 năm sau, những nguyên tắc này vẫn quan trọng và phù hợp hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu mới nhất của UNDP Việt Nam đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm về vai trò quan trọng và những đóng góp đáng kể của các nữ đại biểu dân cử trong sự phát triển của đất nước.
Nghiên cứu "Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021" mới công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù các lĩnh vực quan tâm có thể khác nhau, nhưng các đại biểu dân cử cả phụ nữ và nam giới đều lưu ý rằng chính sự quan tâm của cử tri là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quan điểm của họ về một vấn đề cụ thể.
Nghiên cứu cho thấy các nữ đại biểu thường tương tác với cử tri thông qua các ứng dụng mạng xã hội hơn đại biểu nam giới. Trong kế hoạch hành động của mình, các nữ đại biểu quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực giáo dục-đào tạo và y tế hơn các đại biểu nam.
Tuy nhiên, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, cuộc khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 cho thấy rằng cử tri vẫn có xu hướng thích chọn ứng cử viên nam giới hơn các ứng cử viên nữ giới, đặc biệt cho các vị trí ở cơ sở như trưởng thôn...
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết UNDP mong muốn tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng năng lực lãnh đạo của các đại biểu dân cử là phụ nữ để họ đảm nhận, thực hiện tốt nhiệm vụ sau khi được bầu./.