Người dân ùn ùn trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày

Dòng người từ ngoại tỉnh đổ về Hà Nội làm cho nhiều bến xe rơi vào cảnh “nghẽn” khách. Một số tuyến đường cũng chật cứng người và ùn tắc do lượng phương tiện gia tăng đột biến.
Người dân ùn ùn trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày ảnh 1Hành khách trở về Thủ đô với hành trình mệt nhoài vì bị nhồi và chặt chém giá vé. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Kết thúc đợt ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày, chiều nay (3/5), tại các bến xe, dòng người từ ngoại tỉnh nườm nượp đổ về Hà Nội làm cho nhiều bến xe rơi vào cảnh “nghẽn” khách. Một số tuyến đường cũng chật cứng người và ùn tắc do lượng phương tiện gia tăng đột biến.

Ngay từ đầu giờ chiều nay, ôtô và xe máy từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình… nối đuôi nhau tiến về các bến xe, khiến nhiều tuyến đường như Giải Phóng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Ngọc Hồi đông nghẹt phương tiện.

Người dân ùn ùn trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày ảnh 2Trước lối vào bến xe Giáp Bát, lượng xe nối đuôi nhau vào thành phố khiến tuyến đường Giải Phóng ùn tắc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Càng về chiều, lượng xe khách từ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ… đổ về bến xe Mỹ Đình ngày một đông hơn.

Do thời tiết có phần oi bức, ngay khi xuống xe, nhiều hành khách lộ rõ vẻ mệt mỏi sau một hành trình từ quê ra Thủ đô.

Lỉnh kỉnh đồ đạc với balô quần áo và bao gạo mang lên, bạn Trần Thiện Thắng (phường Đông Thành-Ninh Bình) ngồi thẫn thờ trước nhà chờ của bến xe Giáp Bát.

Thắng bảo, xe khách có biển kiểm soát 35B-00367 chạy từ Ninh Bình-Hà Nội lúc 14 giờ chiều, nhưng mãi tận 17 giờ mới đến được bến. Dọc đường đi, xe chỉ có 29 chỗ nhưng nhà xe “nhồi” đến 40 hành khách. Chủ xe tận dụng ghế nhựa xếp dọc lối đi để “lèn” thêm người. Tính ra, mỗi hàng ghế ngồi tới 6 người. Trong khi đó, giá vé lên tới 80.000 đồng/người (cao hơn 10.000 đồng so với ngày thường).

“Trên xe, hành khách ngồi ken cứng, thậm chí, ngay chỗ cửa lên xe, nhiều hành khách vẫn cố chen chân lên, đứng suốt cả chặng đường vì không thể chờ xe lâu được do ngày này phương tiện nào cũng ‘nêm’ kín người,” Thắng ngao ngán nói.

Cá biệt, theo Thắng, nhiều hành khách đón xe này dọc đường ở Hà Nam đều phàn nàn khi buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi từ Ninh Bình lên vì hầu như không có nhiều sự lựa chọn.

Dù xe “nhồi khách, nhưng Thắng cũng tiết lộ, chỉ khi xe lên tới cuối đường Pháp Vân thì Đội 14, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội mới kiểm tra xử lý lỗi chở quá số người quy định. Còn trên đường, cảnh sát giao thông có kiểm tra tại đoạn đầu cao tốc Cầu Giẽ-Pháp Vân nhưng thủ tục kiểm tra chỉ chưa đầy 1 phút và xe lại tiếp tục lăn bánh.

Liên quan đến số điện thoại đường dây nóng để hành khách phản ánh về tình trạng “chẹt chém,” ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, không phải tất cả các phản ánh của người dân đến đường dây nóng đều được xử lý ngay. Có những trường hợp cơ quan chức năng sẽ xác minh sau đó mới nhờ đến địa phương xử lý?

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, trong ngày 30/4, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tiếp nhận khoảng 150 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh về tình trạng tăng giá vé, chở quá số người quy định, và tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường. Các ngày sau đó, số cuộc gọi và tin nhắn phản ánh giảm mạnh.

Tại bãi đỗ xe buýt, hành khách đứng đợi xe, xếp hàng thành dãy dài. Mỗi khi có xe đến, hành khách trên xe chưa kịp xuống, người ở dưới đã đùn đẩy để lên. Xe xuất bến chật kín khách.

Theo đại diện các bến xe, lượng khách năm nay không đông so với mọi năm và đổ về bến dàn trải đồng thời lực lượng an ninh tại các bến xe cũng đã tiến hành công tác phân luồng đảm bảo trật tự để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc và giải tỏa khách ngay tại bến.

Người dân ùn ùn trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày ảnh 3Phía bên ngoài, mật độ xe taxi và xe ôm quây kín khu vực quanh bến xe, đi chầm chậm bắt khách làm cho tuyến đường ùn tắc cục bộ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Nhiều người đã chủ động trở về thành phố từ ngày 2/5. Vào chiều nay, lượng khách tập trung cao điểm nhất từ 15 giờ đến 18 giờ. Tuy nhiên, vẫn có một số hành khách có thể sẽ lên vào sáng ngày mai,” đại diện các bến xe nhận định.

Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M-Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam), trong ngày 2/5, lượng phương tiện qua cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đạt 41.000 lượt. Ngày 3/5, lượng phương tiện được dự báo xấp xỉ nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí, nên VEC O&M không phải “xả” trạm nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục