Lượng người dân đổ đến các bến xe ở Thủ đô để về quê nghỉ lễ trong dịp 30/4-1/5 đông lên gấp nhiều lần so với ngày thường.
Ngay từ đầu giờ chiều nay, nhiều người dân đã vội vã ra bến xe để về quê nghỉ lễ. Một số tuyến đường xung quanh khu vực bến xe rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Càng về cuối giờ chiều, lượng người và phương tiện ngày một đông khiến chủ xe phải “nhích” từng mét.
Ghi nhận tại bến xe Giáp Bát, tại nút giao đường Giải Phòng-Kim Đồng, hàng dài xe “chôn chân” khi lượng xe đổ về vào thời điểm tan giờ làm khiến lực lượng công an và thanh tra giao thông rất vất vả phân làn, hướng dẫn phương tiện lưu thông.
Ở bến xe Mỹ Đình, khu vực đường Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng Tôn cũng rơi vào cảnh ùn tắc. Tại nút một số nút giao dẫn lên đường Vành đai 3, lượng xe di chuyển rất chậm và phải mất nhiều nhịp đèn giao thông mới có thể chạy qua.
Tại nhiều tuyến đường đổ ra về bến xe, lượng xe máy tăng đột ngột so với ngày thường khiến dòng người phải di chuyển khá khó khăn như: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ,...
Phía khoảng sân trước nhà bán vé, mỗi khi xe buýt vào trả khách bến xe, đông đảo “thượng đế” trên xe ùa ra 2 cửa lên xuống và nhanh chóng di chuyển vào quầy vé.
Ngồi chờ bạn ở ghế để đi cùng xe về, em Trần Lê Quốc Thắng, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Khi ca học sáng tan, đa phần các bạn sinh viên ngoại tỉnh đều nhanh chóng tìm quán ăn để lót tạm dạ dày rồi nhanh chóng ra bến xe với tâm lý lo ngại về muộn sẽ bị tắc đường, thậm chí e ngại không có chỗ ngồi trên xe.
“Từ trường lên xe buýt cũng đã lác đác đông và hành khách phải đứng cả chặng. Đến bến xe, nhìn qua cửa kính của mỗi xe khách cũng thấy ken cứng người ngồi. Cũng bởi dịch COVID-19 dần dần được kiểm soát và kỳ nghỉ lễ kéo dài nên đa phần người dân về quê hoặc đi du lịch gia đình,” Thắng nói.
[Dừng hoạt động xe không đủ điều kiện chở khách dịp nghỉ 30/4-1/5]
Chọn được một chỗ ngồi ngay sau tài xế, anh Nguyễn Văn Bình (Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết các tuyến xe về huyện thường ít và rất đông khách đi lại, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Anh Bình và nhiều người khác đã chờ đợi cả 30 phút trước giờ xe xuất phát. Khi cửa xe mở, ai cũng chen chân lên nhanh hòng tìm được chỗ ngồi cho cả một hành trình dài mệt nhoài hồi hương.
“Tuyến xe huyện thường đi qua địa bàn nhiều xã nên rất thuận tiện cho người dân nhưng cũng vì thế mà cung lượng khách vượt quá năng lực chuyên chở của nhà xe nên dù có điện thoại đặt trước nhưng nếu không lên sớm thì khả năng cao cũng không có chỗ ngồi,” anh Bình giãi bày.
Trong ngày hôm nay, các tuyến xe đông khách nhất là các tuyến đi về các tỉnh phía Bắc và miền Trung như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ... Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10-15%.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết trong ngày hôm nay, lượng khách qua bến rơi vào khoảng 10.000 lượt, tăng khoảng 40-50% so với ngày thường. Số xe xuất bến khoảng 800 xe và chưa phải dùng đến lượng phương tiện tăng cường.
“Bến xe Mỹ Đình cũng đã bố trí nhân viên phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19; đảm bảo trật tự an ninh; không để ùn tắc trong sân trả khách; không để hiện tượng lôi kéo, tranh dành khách, ép giá, ép khách; kiểm tra xe xuất bến… nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tốt nhất của người dân,” ông Sơn nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, lưu lượng hành khách đến các bến xe trọng điểm của Thủ đô sẽ bắt đầu tăng cao từ ngày 29/4 đến hết ngày 30/4.
“Tuy nhiên, lượng xe trên tuyến sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Nếu cần sẽ có lượng xe dự phòng tăng cường giải tỏa vào các thời gian cao điểm tại các tuyến có lượng khách đột biến," ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội khẳng định./.