Đốt vàng mã từng là một tập tục phổ biến ở Trung Quốc để tỏ lòng thành kính của người còn sống đối với những người thân, bạn bè đã khuất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người Trung Quốc đã từ bỏ thói quen này bởi họ coi đó là tập tục lạc hậu, lãng phí, ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tương tự ở Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm cầu may là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đông đảo người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, người Trung Quốc đi lễ chùa không dâng vàng mã, mà chỉ thắp những nén hương thơm với tấm lòng thành kính để cầu mong một Năm mới dồi dào sức khỏe và an lành cho bản thân cũng như gia đình.
Chùa Linh Quang, ngôi cổ tự tọa lạc ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh, là một trong những địa điểm du lịch tâm linh quen thuộc của người dân Bắc Kinh cũng như du khách thập phương.
[Đốt vàng mã nhằm kết nối với người đã khuất là quan niệm sai lầm]
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trương Gia Thành, một người dân Bắc Kinh đi lễ chùa, tâm sự rằng gia đình ông đi lễ chùa để bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật và cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ông cho rằng việc dâng và đốt vàng mã là một tập tục rất lạc hậu, vì vậy bản thân ông và những người trong gia đình đã bỏ thói quen này từ rất lâu.
Cũng giống như rất nhiều ngôi chùa khác ở Trung Quốc, chùa Linh Quang luôn khuyến khích du khách thập phương từ bỏ thói quen đốt vàng mã khi đến chùa lễ Phật.
Bà Viên Quân, một người dân Bắc Kinh, cho rằng đốt vàng mã là mê tín dị đoan. Bà nói: "Phật ở trong tâm của mỗi chúng ta. Chỉ cần đừng làm trái những điều Phật dạy."
Những năm gần đây, chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh; cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã và các đồ tế lễ mang tính mê tín; khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh như sử dụng hoa tươi, tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên các trang web; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm...
Do đó, hiện nay, đốt vàng mã không chỉ vắng bóng ở những địa điểm thờ tự, mà còn ngày càng hiếm gặp tại nhiều khu dân cư ở các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc.
Theo các quy định hạn chế đốt vàng mã của chính quyền thành phố Bắc Kinh, đã từ lâu, Tam Phong Lý, khu chung cư nằm ở khu vực trung tâm thành phố, đã không còn thấy bóng dáng của những chiếc lò hóa vàng mã.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, anh Thượng Phong, người dân khu chung cư Tam Phong Lý, cho biết gia đình anh cũng như các gia đình khác trong khu đều không còn giữ tập tục đốt vàng mã để tưởng nhớ người thân đã khuất nữa.
Theo anh, các quy định hạn chế đốt vàng mã của chính quyền thành phố là rất có lợi bởi có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế khói, tro ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, và phòng ngừa hỏa hoạn.
Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và ban hành những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích người dân từ bỏ tập tục lâu đời này và hướng tới một cuộc sống văn minh nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Một nén hương thơm với lòng thành kính hướng về Trời, Phật và những người đã khuất mà không cần đốt vàng hay hóa mã đã trở thành thói quen văn minh của nhiều người Trung Quốc hiện nay./.