Người dân TPHCM có thu nhập bình quân hơn 4.500 USD

Với kết quả tăng trưởng 9,3% trong năm 2013, thu nhập bình quân đầu người tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt 4.513 USD.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Với kết quả tăng trưởng 9,3% trong năm 2013, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến (9,5%), tuy nhiên thu nhập bình quân đầu người tại thành phố đã đạt 4.513 USD.

Trong hai năm cuối của giai đoạn 2011-2015, cùng với dự báo kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ tiêu này sẽ được nâng lên 4.800 USD. Đây là con số hoàn toàn có thể đạt được nếu Thành phố triển khai tốt các giải pháp đề ra.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, giai đoạn 2011-2013, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài đã tác động bất lợi đến kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Trước tình hình đó, các cấp chính quyền, ngành của thành phố đã nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

Trong năm 2013, thành phố đã đạt 21/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội (4 chỉ tiêu không đạt là tổng sản phẩm trong nước, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ xử lý chất thải y tế).

Đánh giá của người đứng đầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước đi vào chiều sâu, lạm phát được kiểm soát; các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thử thách do tình hình khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới và cả nước.

Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 của thành phố đạt 9,3%; bình quân 3 năm đạt 9,6%. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 11,1%/năm, kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 7,5%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,7%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố gấp 1,7 lần so với bình quân cả nước (5,6%/năm), góp phần duy trì mức tăng trưởng GDP hợp lý của cả nước. GDP bình quân đầu người tăng dần qua các năm và năm 2013 dự kiến đạt khoảng 4.513 USD/người, cao hơn 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ (3.199 USD/người). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, tăng 5,1% (năm 2011 là 11,86%, năm 2012 là 4,07%).

Trong năm qua, lĩnh vực dịch vụ của thành phố vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh; trong đó, 9 nhóm hàng dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất là 53,6% trong tổng GDP, cao hơn giai đoạn 2006-2010 (46%).

Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần bình ổn thị trường.

Năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương đứng đầu 63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại, hội nhập kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế "chững" lại, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng với nhiều nỗ lực, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 100% với 229.514 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc của Bộ Tài chính với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 12/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá trong tình hình thu ngân sách khó khăn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, góp phần cho số thu của cả nước đạt chỉ tiêu đề ra.

Thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm gần 30% số thu của cả nước, vì vậy việc tập trung chỉ đạo của chính quyền thành phố đến công tác thu-chi ngân sách rất quan trọng.

Ngoài những kết quả đã nêu trên, ở lĩnh vực du lịch, trong năm 2013, thành phố đã đạt 4,1 triệu lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 60% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, doanh thu ước đạt 81.970 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Lĩnh vực công nghiệp cũng đã có tăng trưởng giá trị khoảng 6,6%, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học-công nghệ cao.

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có giá trị sản xuất tăng bình quân 5,9%/năm, cơ cấu chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm 2013 đạt 450 dự án được cấp mới, 130 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong năm qua, do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế, thị trường bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm 5% so với năm trước, ước đạt 26,33% tỷ USD. Lĩnh vực tài chính-ngân hàng có tổng vốn huy động tăng 11%, tổng dư nợ tín dụng tăng 9% song tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn còn cao, tính đến cuối tháng 11 năm 2013, tổng nợ xấu ở mức 51.161 tỷ đồng, chiếm 5,49% tổng dư nợ tín dụng và nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ trọng cao nhất.

Mặc dù vậy, một điểm sáng của ngành tài chính-ngân hàng thành phố năm 2013 là lượng kiều hối ước đạt 4,6 tỷ USD, dòng tiền này đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Ngoài những thành công trong phát triển kinh tế, năm 2013 cũng là năm Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, thành phố đã xây dựng được 8 triệu m2 sàn xây dựng để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp như chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; điều chỉnh cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường; kết nối ba bên chủ đầu tư-ngân hàng-khách hàng đồng thời thành phố tập trung huy động các nguồn lực ba chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, đưa vào sử dụng 90,9km đường giao thông các cấp, 45 cầu đường bộ.

Đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho thấy, trong năm qua, mảng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên.

Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội, thành phố đã đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn. Trong 3 năm (2011-2013), toàn thành phố có khoảng 80 ngàn hộ vượt nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,69% đầu năm 2011 xuống còn 0,8% năm 2013, kết thúc giai đoạn 3 Chương trình giảm hộ nghèo, tăng số hộ khá sớm 2 năm theo kế hoạch đề ra và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2014-2015 với mức thu nhập để xác định hộ nghèo là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và hộ cận nghèo là 21 triệu đồng/người/năm.

Năm 2014 giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

Với dự báo kinh tế 2014-2015 sẽ tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu của năm 2014 là tăng trưởng GDP dự kiến tăng 9,5-10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội sẽ chiếm khoảng 31% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (16 triệu đồng/người/năm) là 6,8%...

Để thực hiện các chỉ tiêu này, thành phố đã đề ra 10 giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; bồi dưỡng nguồn thu ngân sách, tiết kiệm chi tiêu...

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế xã hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014-2015, Thành phố Hồ Chí Minh cần ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng đã làm là tiếp tục kiểm soát lạm phát (không để quá thấp hoặc quá cao, khoảng 7%) và giữ ổn định trong 2 năm; ổn định tỷ giá, thị trường vàng, bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.

Đặc biệt, chương trình bình ổn giá của thành phố có ý nghĩa quan trọng với khu vực nên cần tiếp tục thực hiện tốt đồng thời thành phố cần tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP theo hướng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển năng suất, giá trị gia tăng các ngành theo hướng từ mức độ thấp sang hiệu quả cao.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Đảng bộ Thành phố đề ra, từ đó thực hiện tốt vai trò đầu tàu về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực và cả nước....

Bám sát các mục tiêu đề ra trong năm 2014, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2014 là tập trung khai thác mọi tiềm năng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, khai thác thị trường, nhất là 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ là thế mạnh của thành phố.

Chính quyền thành phố phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn; chia sẻ khó khăn của Nhà nước đối với doanh nghiệp là sức mạnh tinh thần động viên doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện nay.

Quán triệt Kết luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014 tại Hội nghị Cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã yêu cầu từng địa phương, sở, ngành ngoài nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện 6 chương trình đột phá của thành phố đồng thời phải thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, gắn bó chia sẻ thật tâm và cùng nhau tháo gỡ khó khăn của dân, của doanh nghiệp.

Đối với vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu phải chủ động, sáng tạo chứ không chờ đợi. Nếu bình quân hàng năm thành phố phải xây dựng mới trên 1.000 phòng học để đáp ứng nhu cầu thì năm 2014 phải xây mới 2.000 phòng và năm 2015 là 4.000 phòng học với mục tiêu là đến sau năm 2015 thì trường lớp ở các quận huyện phải được chuẩn hóa hết.

Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự lãnh đạo của Thành ủy cùng với sự đồng lòng ủng hộ của doanh nghiệp, người dân thành phố, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ theo kế hoạch, phấn đấu chăm lo chu đáo, đầy đủ, vui tươi, lành mạnh và an toàn cho người dân, đảm bảo Tết đến mọi nhà, mọi người./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục