Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII diễn ra từ ngày 7-12/5 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Kỳ vọng chung của đông đảo người dân Thủ đô là sự kiện quan trọng này sẽ tạo những đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược, đồng thời mở đường cho những cải cách hiệu quả về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt quan tâm đến việc vấn đề bổ nhiệm và quản lý đội ngũ cán bộ các cấp, tiến sỹ Ngô Đức Chinh, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức cán bộ của Đảng cũng để lại những bài học đắt giá khi “để mất” cán bộ qua hàng loạt các vụ án vừa qua.
Để đội ngũ cán bộ trong bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan công quyền vận hành tốt, có hiệu quả và trong sạch, theo ý kiến Tiến sỹ Ngô Đức Chinh, nên bắt đầu từ việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ từ các chi bộ, hệ thống chính quyền xã, phường, thị trấn. Cũng từ các cấp này phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất. Chỉ có chiến lược xây dựng đội ngũ bắt đầu từ cơ sở thì Đảng, Nhà nước mới xây dựng được một bộ máy chính quyền gần dân, vì dân, để từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. “Có bắt đầu từ cơ sở thì chúng ta mới có đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân, sát dân, mới hạn chế được tình trạng nhiều chính sách, quy định xa rời thực tế..."
["Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"]
Đồng tình với quan điểm trên, kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao, Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc Tây Hồ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhìn nhận để tìm được những người tài và bố trí họ vào những vị trí công tác xứng đáng, phát huy được năng lực, sở trường của họ, đòi hỏi Đảng phải phát hiện những cán bộ thoái hóa biến chất, nhất là những kẻ cơ hội về chính trị để loại bỏ ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, kiên quyết chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Có thời điểm dư luận đặt câu hỏi về sức chiến đấu của các chi bộ Đảng cũng như sự sắc bén, hiệu quả trong công tác phê bình và tự phê bình. Tại không ít chi bộ đảng có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh của bản thân cán bộ, đảng viên các cấp.
Theo kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đến nay vẫn là chân lý. Người đã chỉ rõ muốn sử dụng cán bộ cách mạng thì phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, phải khéo dùng cán bộ, giúp cán bộ và phải giữ gìn cán bộ.
“Mong rằng Hội nghị Trung ương 7 sẽ hoàn thành được bước đột phá trong công tác tổ chức cán bộ các cấp, để bộ máy Nhà nước có những cán bộ đặt lợi ích chung lên trên hết, dù đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn,” kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao bày tỏ./.