Người dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên mua hàng bình ổn giá

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn tăng năng lực dự trữ và bán hàng từ 120.000-150.000 tấn/tháng.
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên mua hàng bình ổn giá ảnh 1Người tiêu dùng chọn mua rau củ quả tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 12/7, sau bốn ngày Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được đảm bảo nguồn cung, nhất là giữ ổn định giá thực phẩm.

Tuy vậy, kênh bán lẻ hiện đại đang thực hiện tốt việc bình ổn thị trường, còn giá cả lương thực, thực phẩm tại mạng lưới chợ truyền thống vẫn có xu hướng tăng do bị ảnh hưởng bởi ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm của thành phố tạm đóng cửa.

Mở lối cho hàng nhập chợ

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Hoàng, trú tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg người dân hạn chế đi lại nên ưu tiên chọn kênh mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi để tránh việc giá cả hàng hóa bị tăng giá không bởi lý do chính đáng. Người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... khi khâu vận chuyển hàng hóa đang gặp nhiều thách thức và phát sinh thêm chi phí.

Tương tự, anh Quang Thắng, trú tại quận Bình Thạnh, cũng cho rằng việc giá hàng hóa tại mạng lưới chợ truyền thống tăng giá kiểu "té nước theo mưa" sẽ làm cho tiểu thương mất khách hàng, trong khi hiện người dân hạn chế ra ngoài nên có xu thế chuyển dần sang mua sắm online. Đang ở giai đoạn quan trọng "dập dịch," nhóm người yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, người dân cũng muốn san sẻ cho tiểu thương chợ truyền thống nhưng nếu kinh doanh không đúng giá, ý thức kém về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thì người tiêu dùng thông minh sẽ không ủng hộ.

Ghi nhận ý kiến nhiều người dân khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, họ đã có thói quen đặt hàng trước, đặt hàng qua điện thoại và mạng xã hội để giúp nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, nhất là tiểu thương chợ truyền thống duy trì hoạt động kinh doanh và doanh thu, nhưng cũng đòi hỏi đơn vị bán buôn làm ăn lành mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều người dân trong cùng khu dân cư, chung cư... còn thực hiện giải pháp mua chung, mua hàng sỉ để tạo điều kiện cho tiểu thương giảm chi phí vận chuyển, hạn chế lưu thông và đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch COVID-19.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên mua hàng bình ổn giá ảnh 2Người dân mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại siêu thị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Về phía địa phương, Sở Công Thương và lực lượng liên ngành đang nỗ lực hỗ trợ nhiều giải pháp cho ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền, cũng như thương nhân, tiểu thương thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng từ 4.500-5.000 tấn rau củ, quả mỗi ngày; tăng cường giải pháp thúc đẩy nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhất là mở lối cho hàng nhập chợ Thành phố Hồ Chí Minh đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo đó, Trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe container chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, thành phố Thủ Đức đang được khẩn trương triển khai hoạt động. Điều này sẽ góp phần giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung rau củ, quả trên địa bàn. Cụ thể, Trung tâm này hoạt động trong khung giờ từ 17 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, với khả năng sẽ "sang xe" cho từ 1.500-2.000 tấn rau, củ quả mỗi đêm.

[Tạo “luồng xanh” đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về Thành phố Hồ Chí Minh]

Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe container được giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như phương tiện vận chuyển hàng phải đăng ký trước với Ban quản lý chợ Thủ Đức mới được ra, vào. Đây là một trong những giải pháp kịp thời của thành phố Thủ Đức, nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhất là rau củ, quả cho người dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

"Khi hàng hóa về đến Trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe container sẽ được chuyển sang phương tiện phân phối chuyển đi ngay, không được neo lại thời gian lâu quá quy định cho phép. Tất cả người lao động, tài xế... đều phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 tính trong 72 giờ, cũng như thực hiện khai báo y tế," ông Nguyễn Nhu cho biết thêm.

Không chỉ chợ Thủ Đức, Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra phương án lập trạm trung chuyển hàng hóa cũng trong khuôn viên chợ. Ngoài ra, hầu hết các thương nhân, tiểu thương của ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền cũng đã và đang từng bước triển khai hoạt động mua bán online để cung cấp hàng hóa về chợ truyền thống, đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố.

Tăng kênh bình ổn giá

Nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và Chỉ thị 16/CT-TTg, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn tăng năng lực dự trữ và bán hàng từ 120.000-150.000 tấn/tháng.

Riêng những đơn vị chủ lực như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng; MM Mega Market tăng dự trữ lên 60.000 tấn/tháng và một số mặt hàng có thể lên 90.000 tấn/tháng...

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên mua hàng bình ổn giá ảnh 3Nhân viên siêu thị giúp người dân đi chợ online. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khảo sát tại kênh phân phối hiện đại như Co.opmart, Co.opXtra, LOTTE Mart, Go!/ Big C, Bách hóa Xanh... hoạt động thương mại cũng đã bước vào giai đoạn kiểm soát ổn định sau thời gian mua sắm đột biến, với lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm và mua sắm online tăng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều tập trung mọi nguồn lực giữ vững chuỗi cung ứng, bình ổn giá và đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng, không để người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm.

Tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, cùng với việc phục vụ khách hàng mua sắm trực tiếp, siêu thị này còn bố trí đội ngũ nhân viên gom sản phẩm cho đơn hàng online. Song song đó, nhân viên siêu thị chủ động tư vấn khách hàng mua sắm những mặt hàng có nguồn cung dồi dào và được nhận hàng ngay trong ngày, hoặc theo cam kết chung của Co.opmart.

Trong khi đó, một số đơn vị kinh doanh chuyên cung ứng rau củ, quả vào kênh phân phối hiện đại và những đầu mối tiêu thụ lớn đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Đặc biệt, những đơn vị kinh doanh này còn cung ứng hàng hóa vào khu cách ly, phong tỏa... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với giá vốn để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân.

Về đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân không mua sắm dự trữ hàng hóa thiết yếu; chỉ nên mua đủ dùng và cam kết nguồn cung lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, thực hiện giãn cách xã hội nên một số dịch vụ, giao dịch của đơn vị kinh doanh có khả năng bị quá tải trong khung giờ cao điểm. Vì vậy, người dân không cần quá lo lắng, mà liên hệ chặt chẽ với đội ngũ nhân viên điểm bán lẻ để được hỗ trợ xử lý đơn hàng tốt nhất.

Báo cáo nhanh của các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua trên thị trường tiêu dùng tuy đã "giảm nhiệt" so với ba ngày trước thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn thời điểm trước tháng 6/2021. Những nhóm ngành hàng có sức mua tăng cao hiện nay có thể kể đến là rau củ, quả; thủy hải sản; thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến sẵn; gạo, mỳ gói, sữa.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục