Người dân tái định cư thủy điện Sơn La: Loay hoay tìm sinh kế

Sau hơn 10 năm chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án tái định cư thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân tái định cư tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân tái định cư thủy điện Sơn La: Loay hoay tìm sinh kế ảnh 1Phát triển chăn nuôi tại một hộ gia đình thuộc điểm tái định cư Thống Nhất, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Sau hơn 10 năm chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án tái định cư thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân tái định cư tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế.

Nằm cách trung tâm xã Tân Lập gần 15km, Nặm Khao là một trong những bản tái định cư còn nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, với diện tích nương rẫy được cấp, người dân trong bản tập trung phát triển cây sắn.

Những năm đầu khi cây sắn còn được giá, bà con tạm đủ lương thực và có hàng để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên những năm gần đây, giá sắn ngày càng xuống thấp, đời sống người dân tái định cư trong bản gặp nhiều khó khăn. Vụ mùa năm 2014, thấy trồng sắn không mang lại hiệu quả kinh tế, dân bản quyết định chuyển sang trồng ngô, song giá ngô lại “tụt dốc không phanh” làm cho cuộc sống của bà con lại càng khó khăn hơn.

Anh Lò Văn Hợp, công an viên của bản Nặm Khao cho biết đất đai tại nơi ở cũ rất màu mỡ nên bà con trồng ngô, trồng sắn không cần phải bỏ phân vẫn cho thu hoạch cao. Từ khi chuyển về đây, diện tích đất canh tác vừa ít, đất lại bạc màu, phải thâm canh nhiều nhưng giá sắn, giá ngô liên tiếp xuống thấp, làm cho bà con gần như không có lãi.

Từ khi chuyển ra ở riêng, gia đình chị Lò Thị Yên được bố mẹ chia cho ít đất. Nuôi bốn miệng ăn trong nhà, gia đình chị nhanh chóng được liệt vào danh sách những hộ nghèo của bản. Chị Yên bộc bạch ở quê cũ có ruộng và nhà ở gần sông nên không lo sợ bị đói. Từ khi chuyển đến Tân Lập-Mộc Châu trồng sắn không đủ ăn, giờ muốn đi làm thêm để nuôi con cái học hành nhưng do không có nghề, bản lại ở cách xa trung tâm huyện nên cũng không thể đi làm được.

Đầu năm 2004, 61 hộ dân tại bản Lót, bản Pểnh thuộc xã Ít Ong, huyện Mường La phải chuyển đến xã Tân Lập để nhường đất cho dự án xây dựng thủy điện Sơn La. Sau 11 năm chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của người dân không thay đổi, thậm chí một số hộ còn nghèo đi.

Trưởng bản Nặm Khao, ông Tòng Văn Phương, cho biết cuộc sống của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn do đất sản xuất hạn hẹp, muốn đi làm thêm để tăng thu nhập nhưng do không có nghề nghiệp nên chả ai thuê. Bà con đang đề nghị xã cho chuyển đổi những diện tích đất nương sang trồng chè để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời đề nghị Nhà nước cấp con giống như bò, lợn, dê để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Điểm tái định cư Bản Dọi 2 được đầu tư xây dựng khá khang trang nằm gần trung tâm xã Tân Lập. Diện tích đất nông nghiệp ở đây đang được người dân trồng ngô và chè nhưng vì không có kinh nghiệm nên cây chè cũng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Vì Văn Toản, người dân trong bản, cho biết đối với những diện tích đất trồng ngô ngày càng bị bạc màu, người dân phải đầu tư nguồn phân đạm rất lớn, cùng với đó là con giống ngày càng đắt đỏ, trong khi giá bán ngô thương phẩm lại thấp nên lãi rất ít. Còn đối với những hộ trồng chè, do thiếu kinh nghiệm canh tác nên hiệu quả chưa cao, người dân chỉ đủ ăn 6 tháng thôi.

Ông Lò Văn Pành, Trưởng bản Bản Dọi 2, cho biết năm 2003, 52 hộ dân tại bản Tráng, xã Ít Ong, huyện Mường La, phải chuyển đến xã Tân Lập để nhường đất xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Đến nơi ở mới, bản được chia 52ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân trồng cây ngô, cây chè. Những năm trước đây thu nhập từ cây ngô, cây chè cũng tạm ổn. Tuy nhiên, hiện nay người dân gặp nhiều khó khăn khi giá ngô và chè xuống thấp.

Ông Vàng A Thào, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập, cho biết trên địa bàn xã hiện có năm bản tái định cư và hai điểm tái định cư xen ghép. Sau những năm đầu gặp nhiều khó khăn do người dân chưa quen với khí hậu thời tiết, đến nay cuộc sống của người dân các bản tái định cư đã tạm ổn định.

Một số bản gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã đang có hướng chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè, đồng thời phối hợp với các công ty chè trên địa bàn cung cấp nguồn giống cũng như mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân để bà con yên tâm phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục