Siết chặt kiểm soát thị trường vàng mỹ nghệ

“Người dân sẽ được mua vàng mỹ nghệ đúng với chất lượng”

Bộ Khoa học và Công nghệ quy định vàng trang sức, mỹ nghệ phải đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường, có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.
“Người dân sẽ được mua vàng mỹ nghệ đúng với chất lượng” ảnh 1Thông tư 22 sẽ giảm và hạn chế các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường được xem là bước đi đúng đắn nhằm hạn chế các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng. Tuy nhiên, việc xử lý với vàng nữ trang đang được giữ trong dân, quy chế xử phạt đơn vị vi phạm… là những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề này.

Siết chặt chất lượng vàng trang sức

- Thưa ông, Thông tư 22  có hiệu lực từ 1/6 sẽ giúp ích được gì cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN được ký ban hành từ ngày 26/9/2013 và có hiệu lực từ 1/6/2014. Ngay từ khi xây dựng Thông tư, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng để văn bản này là công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc công khai, minh bạch thị trường vàng.

Qua đó, sẽ giảm và hạn chế các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ cũng như tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, xác định rõ phương pháp thử nghiệm làm cơ sở để xử lý vi phạm nếu có.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 22, vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. Điều này sẽ giúp người dân được mua vàng mỹ nghệ đúng với chất lượng được doanh nghiệp công bố.

- Có ý kiến cho rằng, hiện nay mức sai số trên thị trường vàng trang sức là từ 1-3%, trong khi Thông tư lại quy định sai số là 0,1-0,3%. Đâu là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra quy định này?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trong quá trình xây dựng Thông tư 22, chúng tôi có tham khảo một số quốc gia trên thế giới.

Thực tế ở một số quốc gia phát triển và đang phát triển đều có quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Cụ thể như Úc, New Zealand, Ý, Anh, Đan Mạch, Thái Lan… đều quy định không có sai số đối với vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này có nghĩa là hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại các nước này không được phép nhỏ hơn so với hàm lượng vàng được công bố trên sản phẩm. Riêng đối với Mỹ cho phép sai số là 0,3%.

Chính vì vậy, vấn đề này đã được trao đổi hết sức kỹ lưỡng với các bên liên quan và thông qua việc lấy ý kiến từ Hiệp hội vàng, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kỹ thuật về vàng và các bên liên quan. Đa số ý kiến đều thống nhất với quy định giới hạn sai số này, thậm chí có nhiều đơn vị đề nghị quy định sai số nhỏ hơn nữa để hạn chế tối đa gian lận trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, mức giới hạn sai số này hoàn toàn không phải là mới. TCVN 7055:2002 đã quy định mức này từ năm 2002. Do đó, việc Thông tư 22 quy định mức sai số như vậy để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như đối với các doanh nghiệp không có ý định trục lợi người tiêu dùng thông qua việc làm gian dối tuổi vàng.

Tôi lấy ví dụ, nếu mức sai số là 3% thì càng 99,99% sẽ chỉ còn là 96,99%. Nếu bạn đi mua vàng 99,99% mà thực tế hàm lượng vàng trong sản phẩm chỉ là 96,99% thì bạn sẽ nghĩ như thế nào?

- Người dân sẽ phải làm gì với số vàng trang sức mình đã mua trong nhiều năm nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Đứng về quản lý nhà nước, Thông tư 22 không điều chỉnh trang sức người dân đã mua.

Tuy nhiên, ở phương diện cá nhân, tôi cho rằng người dân đang sở hữu vàng mỹ nghệ nên đến các cửa hàng mình đã mua để xem xét điều chỉnh bán hoặc yêu cầu họ cam kết để được đảm bảo quyền lợi.

“Người dân sẽ được mua vàng mỹ nghệ đúng với chất lượng” ảnh 2Mua bán vàng tại Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phạt nặng

- Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xử phạt như thế nào đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm về khối lượng, tuổi vàng, nhãn mác sản phẩm?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Việc xử phạt vi phạm về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể, ví dụ về việc sử dụng phương tiện đo sai quy định sẽ bị phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng; về chất lượng phạt tối thiểu là 2 triệu đồng đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm...

- Quy định đã có, nhưng việc kiểm soát chất lượng vàng trang sức, đặc biệt ở các cửa hàng vàng nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ được quản lý, giám sát ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Việc kiểm soát và thực hiện các quy định về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt cửa hàng nhỏ lẻ hay ở vùng sâu vùng xa.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương theo quy định; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường...

Ngoài ra, Bộ đã giao cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông tại địa phương.

Chúng tôi hy vọng, Thông tư 22 sẽ là cú hích nhằm bảo đảm thị trường vàng mỹ nghệ được công khai, minh bạch. Qua đó, người dân sẽ được mua những sản phẩm đảm bảo chất lượng.

- Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng đã chỉ định 2 tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng, đó là: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng 1 (tại Hà Nội) và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng 3 (tại Thành phố Hồ Chí Minh) và đang tiếp tục xem xét một số hồ sơ đăng ký chỉ định thử nghiệm xác định hàm lượng vàng của các tổ chức thử nghiệm để tiếp tục chỉ định trong thời gian tới.

Danh sách các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được chỉ định phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục tại địa chỉ www.tcvn.gov.vn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục