“Người dân phải nâng cao ý thức để tránh những vụ nổ đáng tiếc”

Ông Hoàng cho biết, để tránh những vụ nổ xảy ra thì trước hết phải là ý thức của người trực tiếp mua, bán vận chuyển thu gom các phế liệu, họ phải luôn có ý thức và kiến thức đầy đủ để phòng tránh.
Hiện trường vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) vừa xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân.

Đây là hồi chuông báo động về thực trạng buôn bán, kinh doanh phế liệu tràn lan và lỗ hổng trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, ngay sau khi tai nạn xảy ra, vẫn thấy rất nhiều cửa hàng, xưởng tái chế vẫn duy trì hoạt động nhộn nhịp. Phía trong các xưởng tái chế, máy hàn, máy cắt, máy khò sắt thép hoạt động hết công suất.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng đoàn Cà Mau cho rằng, hiện nay chúng ta rất khó kiểm soát quá trình vận chuyển mua bán các vật liệu nổ này, kể cả vật liệu cháy chứ chưa nói đến vật liệu nổ.

Ông Hoàng lấy ví dụ, các cơ sở buôn bán bình ga, chiết suất ga, mặc dù có các quy định như không tập trung vào khu đông dân cư, mặt đường... nhưng hiện nay vẫn thấy rất nhiều cửa hàng sang chiết ga ngay mặt đường hoặc dưới các khu tập thể. Đặc biệt có rất nhiều các cửa hàng kinh doanh mua bán các phế phẩm phế liệu đã qua sử dụng.

Thậm chí, hiện có nhiều cây xăng nằm sát ngay các khu chung cư, khu văn phòng nơi có nhiều người dân sinh sống... "Đây chính là những quả bom nổ chậm ngay trong lòng chúng ta mà chưa thể kiểm soát được," ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng, chẳng ai dám khẳng định các bình ga đều an toàn 100%. Tương tự như vậy đối với vật liệu nổ, quá trình kiểm soát... khi họ đi thu mua phế liệu thì cũng chỉ biết mua vậy thôi vì đấy cũng chỉ là những phế liệu bỏ đi.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau trả lời bên lề Quốc hội. (Ảnh: N.L/Vietnam+)

Theo ông Hoàng, để tránh những vụ xảy ra tương tự như ở Văn Phú (Hà Đông) thì trước hết phải là ý thức của người trực tiếp mua, bán vận chuyển thu gom các phế liệu hoặc những người kinh doanh vật liệu dễ gây cháy nổ. Họ phải luôn có ý thức và kiến thức đầy đủ để phòng tránh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trong tác kiểm tra, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đòi các ngành chức năng như quận, huyện, thành phố kiểm tra mà cần phải kiểm tra ngay ở địa phương.

Thí dụ, các đoàn thể ở cơ sở, các phường xã và người dân có thể khi phát hiện một vật nào đó nghi vấn là dễ gây cháy nổ thì cần báo cáo ngay với các ngành chức năng. Từ đó các ngành chức năng báo ngay cho lực lượng công binh để kịp thời xử lý.

Ông Hoàng chia sẻ thêm về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Tới (Hải Phòng) vừa giao nộp 3 quả bom có tổng trọng lượng hơn 300kg, chiều dài mỗi quả là 1,1m, rộng 0,2m. Tất cả ba trái bom đều đã han rỉ, không còn nguyên trạng.

Gia đình ông Tới mua về với mục đích lấy sắt để bán lại. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng do cưa lấy phế liệu ở Hà Nội, ông Tới đã trình báo với chính quyền địa phương mong muốn được giao nộp lại 3 quả bom trên.

"Những ý thức như vậy chúng ta nên phát huy khả năng của người dân để tự bảo vệ chính bản thân họ trước tiên và bảo vệ cộng đồng," ông Hoàng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục