Trong căn phòng làm việc nhỏ xinh tại ngôi nhà nằm gần trung tâm thành phố Saint-Truiden, cách thủ đô Brussels 80km về phía Đông, anh Ahmet Yazar treo hình những lãnh tụ cách mạng trên thế giới mà anh quý trọng.
Tấm ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng bên cạnh những vị lãnh tụ vĩ đại của thế giới như nhà tư tưởng vĩ đại Karl Marx, Chủ tịch Cuba Phidel Castro, nhà cách mạng Che Guevara...
Trên giá sách còn có hình Bác ngồi đánh máy chữ hay Bác chụp ảnh với các em thiếu nhi quốc tế.
[Nhà nghiên cứu thực hiện ước mơ quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh ở Italy]
Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bỉ, anh Ahmet cho biết mối lương duyên với Việt Nam của anh, người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sinh sống và làm việc ở Bỉ từ 30 năm nay, bắt đầu từ những năm 90 khi anh sống bên Đức.
Hồi đó, khi còn học phổ thông, anh đọc về lịch sử Việt Nam và một cuốn tiểu sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, Ahmet quen với một nhóm sinh viên Việt Nam học tại Đông Đức.
Sự thân thiện của những người bạn Việt Nam tạo cho Ahmet ấn tượng mạnh. Những cuộc trò chuyện, những bữa cơm đậm chất Việt với món nem rán truyền thống khiến cho chàng trai gốc Thổ Nhĩ Kỳ cảm giác thật gần gũi như thể anh là một thành viên của gia đình người Việt.
Tốt nghiệp ở Đức, Ahmet sang Bỉ sinh sống và làm trong ngành dược. Ahmet kể mỗi lần nhìn vào tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là đôi mắt của Người, anh lại có một cảm xúc thật khó tả, vừa ngưỡng mộ, vừa thân thiện, gần gũi như thể Bác là Đấng Tối cao hay một nhà thông thái mà anh có thể giãi bày mọi điều.
Anh khiến chúng tôi xúc động khi bày tỏ tình cảm của anh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh gọi Người là “Bác Hồ” như thể anh cũng là một người dân Việt Nam.
Anh ngưỡng mộ Bác vì Bác là một anh hùng, một nhà cách mạng chân chính đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến đấu vì nền độc lập dân tộc. Bác còn có trình độ uyên thâm.
Ahmet nói rằng Bác không chỉ là vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là lãnh tụ của tất cả những người “có trái tim đập vì tự do.” Bác là động lực to lớn cho cuộc đấu tranh chống lại sự bất công trên toàn thế giới.
Ahmet tâm sự khi đọc cuốn "Nhật ký trong tù" của Bác bằng tiếng Anh, anh rất tâm đắc với bài thơ "Đi đường":
“Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.”
Anh cảm nhận được bài thơ là một bài học, một quy luật: muốn có tầm cao về tâm hồn, trí tuệ phải chịu khó vượt qua nhiều gian lao thử thách. Gian lao càng nhiều, thử thách càng cao thì tâm hồn, trí tuệ càng được nâng cao, mở rộng.
Với Ahmet, Bác như một người soi sáng. Tên của Bác “Hồ Chí Minh” có nghĩa là người mang lại ánh sáng cho mọi người. Bác vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà triết học. Anh đọc về Bác và Bác đã truyền cho anh cảm hứng trong cuộc sống.
Người đàn ông Bỉ gốc Thổ Nhĩ Kỳ này giờ là bố đơn thân của hai cô con gái, 18 và 14 tuổi. Vượt qua những gian khó trong cuộc sống, anh đã đạt được đỉnh cao của hạnh phúc khi ba bố con sinh sống vui vẻ bên nhau, luôn có nhau ở mọi lúc, mọi nới.
Anh yêu nhân dân Việt Nam bởi tinh thần đoàn kết và sự siêng năng. Anh dự định sẽ cùng hai cô con gái tới thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp với những người dân hiếu khách cùng những món ăn ngon.
Và ở Việt Nam, anh sẽ được tới viếng Bác tại lăng của Người để bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với vị lãnh tụ, danh nhân văn hóa thế giới./.