Người đàn ông hay "mất tích" nửa ngày ở thôn Từ Châu

Ở Hà Nội, có một người đàn ông đã 5 năm làm một công việc kỳ lạ: Đến các bệnh viện, phòng khám xin xác các hài nhi xấu số về chôn cất.

Ở thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có một người đàn ông đã 5 năm làm một công việc kỳ lạ: Đến các bệnh viện, phòng khám tư để xin xác những hài nhi xấu số về chôn cất.

Cơ hội thứ hai được làm người

Người đàn ông kỳ lạ nói trên là ông Nguyễn Văn Nho, 67 tuổi, trú tại thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông đã làm công việc thu gom xác hài nhi đã từ 5 năm nay.

Kể về cơ duyên khiến ông làm việc không giống ai đó, ông Nho cho biết, trong một lần đi khám bệnh ở bệnh viện huyện, ông được chứng kiến cảnh những cô gái trẻ xếp hàng vào đây phá thai, ông cảm thấy rất đau xót. Cũng trong lần ấy, ông vô tình thấy những sinh linh bé nhỏ đã qua đời được các nhân viên bệnh viện cho vào trong một chiếc thùng để vận chuyển đi xử lý.

"Có em bằng cái chén, có em đã lớn bằng cái ấm... chúng đã có hình hài con người, có tay có chân, có trái tim...," ông trầm ngâm nhìn bộ ấm chén trên bàn và nói.

Những hình ảnh đó cứ ám ảnh ông, khiến trong ông thôi thúc một nỗi trăn trở cho các em cơ hội thứ hai được làm người, được chôn cất, hương khói, yên nghỉ tử tế.

"Tước đi sự sống của các em đã là một điều không công bằng, không chôn cất thì coi như các em không được làm người lần thứ hai," ông nói.

Cuối cùng, ông đi đến một quyết định mà chính ông cũng không dám chia sẻ với bất kỳ ai lúc đó: Xin xác hài nhi từ các bệnh viện, phòng khám tư về mai táng ở nghĩa trang.

Lúc đầu ông làm lén, giấu vợ mình là bà Nguyễn Thị Linh. Sau bà Linh thấy chồng mình cứ loay hoay lúc trưa vắng hay tối trời, thỉnh thoảng ông lại "mất tích" nửa ngày, bà mới té ngửa khi tìm ra sự thật.

"Tôi đã tưởng ông ấy bị ma nhập, khuyên can hết lời nhưng chẳng ăn thua. Thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi. Đến giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ ông ấy nhưng cũng tôn trọng để ông ấy làm. Hy vọng, những hài nhi xấu số được chôn cất sẽ phù hộ cho ông ấy," bà Linh chia sẻ.

Xây "nhà" cho hài nhi xấu số

Những ngày đầu tự làm, ông Nho gặp nhiều khó khăn. Biết "một cây làm chẳng lên non" ông đã tìm đến sự giúp đỡ của nhóm thiện nguyện Bắc Ái của thôn, mạnh dạn chia sẻ những trăn trở trong mình. May mắn sao, ông nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Cũng trong năm 2008, ông cùng nhóm Bắc Ái đã xin được đất ở nghĩa trang thôn và xây dựng "ngôi nhà" đầu tiên cho những sinh linh bé nhỏ đã qua đời.

Cứ thế hai lần một tuần, không chỉ ông mà những cá nhân tình nguyện khác cùng nhau đi gom hài nhi về chôn cất. Tuần nào cũng có các hài nhi xấu số được đưa về nơi yên nghỉ ở "ngôi nhà" diện tích 2,5m x 2,5m, sâu 3,2m.

Giữa năm 2013, ông cùng nhóm thiện nguyện tiếp tục xin thêm đất để đón nhiều hài nhi về hơn. Ông cơi nới "ngôi nhà" cũ thêm diện tích 2,5m x 3,2m, đến nay đã đi vào hoạt động được hơn 19 tuần.

Để xây được ngôi nhà an nghỉ cũng như mai táng cho rất nhiều hài nhi không phải chuyện dễ dàng. Bản thân hai vợ chồng ông Nho làm nghề nông và chăn bò kiếm sống, nuôi 4 người con ăn học, chẳng khá giả gì, lại phải dồn cho đứa con út đi học đại học.

"Ngôi nhà" là nơi yên nghỉ của những sinh linh bé nhỏ. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Vì thế, để vừa theo đuổi công việc, vừa đảm bảo cuộc sống gia đình, những năm qua, ông Nho cùng nhóm thiện nguyện Bắc Ái đã vận dụng đủ thứ: Bán bóng bay tại các nhà thờ, được các nhà hảo tâm giúp đỡ bằng tiền, có khi bằng gạch, đá, sỏi...

Nhờ đó, ông cùng nhóm của mình đã xây thành công ngôi nhà mới khang trang, đẹp đẽ cho các hài nhi. Ngoài ra, nhóm còn chuẩn bị thùng xốp, tủ lạnh, dụng cụ vệ sinh, hương khói... tốn kém không ít.

Chia sẻ về công việc này, ông Nho cho biết, điều quan trọng nhất là vệ sinh sạch sẽ, không gây ảnh hưởng đến môi trường công cộng. Ông Nho cũng cho biết, nhiều người còn tranh thủ lúc nhập nhoạng, nhẫn tâm vứt con lại nghĩa trang khiến ông phải thường xuyên đi kiểm tra để mai táng kịp thời.

Nhen nhóm hy vọng

Trong những năm làm công việc này, ông Nho cùng nhóm thiện nguyện đã khuyên giải thành công 18 trường hợp có ý định nạo, phá thai.

Trường hợp đầu tiên nhóm gặp vào năm 2009 là một cô gái là sinh viên năm thứ nhất quê ở Nam Hà. Sau khi “trót dại” với bạn trai, cô gái đã hoảng loạn với cái thai đang ngày một lớn. Vừa tủi nhục, vừa không có tiền để đi phá thai, cô gái tuyệt vọng toan có ý định tự tử.

Qua các y bác sỹ, nhóm ông Nho đã tiếp cận cô gái, khuyên giải hết lời, đưa cô gái về chăm sóc cho đến ngày sinh nở. Đến nay, đứa bé đã được 4 tuổi, hoàn toàn khỏa mạnh, sống vui vẻ cùng mẹ và bà.

Từ đó, nhóm hoạt động có quy củ hơn và được chia làm nhiều mảng phụ trách khác nhau, bao gồm: khuyên giải, chăm sóc và chôn cất. Nhiều trường hợp được khuyên giải thành công nay quay về hỗ trợ cho công việc của nhóm thay lời cảm ơn. Hiện nay, nhóm đang là chỗ ẩn mình an toàn của 8 bà bầu lỡ dở và sẽ chăm sóc đến khi những bà bầu "bất đắc dĩ" này mẹ tròn con vuông.

Cũng trong 5 năm, công việc của ông đã không còn dừng ở nhóm nhỏ đơn lẻ mà đã có ảnh hưởng rộng tới nhiều người ở nhiều nơi hơn nữa. Mọi người đã kết nối với nhau trong phạm vi rải rác các tỉnh, thành phố từ Hà Nội vào đến Vinh lấy tên là nhóm Bảo vệ sự sống.

Tính đến nay, nhóm đã có hơn 700 người một năm họp mặt một lần. Trong đó, riêng nhóm hoạt động tại thôn Từ Châu của ông Nho là hơn 40 người, thành viên trẻ nhất mới đôi mươi còn cụ già nhất đã 82 tuổi, sinh hoạt định kỳ vào thứ ba hàng tuần.

Không biết ai đó đã đặt một con thú nhồi bông bên "ngôi nhà" của các em. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Với những gì đang làm, ông Nho tự nhận việc đó chẳng đáng tự hào mà chỉ coi đó là nỗi buồn: "Biết rằng việc này chỉ như muối bỏ bể nhưng không vì thế mà không làm. Tôi chỉ mong các bạn trẻ hãy biết bảo vệ bản thân mình trước những cám dỗ và nhận thức được hậu quả sau này."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục