Người dân ở Dải Gaza chật vật tìm nước sinh hoạt giữa xung đột

Nhiều người dân ở Dải Gaza không được vệ sinh cá nhân trong nhiều ngày khi Israel cắt nguồn cung nước, điện và lương thực cho vùng lãnh thổ này sau khi bùng phát xung đột với Lực lượng Hamas.
Người dân ở Dải Gaza chật vật tìm nước sinh hoạt giữa xung đột ảnh 1Người Palestine xếp hàng chờ lấy nước tại Khan Younis, Dải Gaza. (Nguồn: AP)

Ở phía Nam Dải Gaza, người dân xếp hàng dài trước khu vực nhà tắm công cộng để chờ đến lượt mình.

Nhiều người trong số họ không được vệ sinh cá nhân trong nhiều ngày trong bối cảnh Israel cắt nguồn cung nước, điện và lương thực cho vùng lãnh thổ này sau khi bùng phát xung đột với Lực lượng Hamas.

Ahmed Hamid (43 tuổi) cùng gia đình đã rời khỏi thành phố Gaza để đến thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza, sau khi quân đội Israel hôm 13/10 yêu cầu người dân rời khỏi khu vực phía Bắc Dải Gaza.

[Xung đột Hamas-Israel: Khủng hoảng nhân đạo tại Gaza thêm trầm trọng]

Hamid cho biết tất cả thành viên trong gia đình anh không có nước sinh hoạt trong nhiều ngày qua. Ngoài ra, Hamid chia sẻ: "Không có lương thực thực phẩm. Chúng tôi chỉ có thể tìm mua được phômai và cá ngừ đóng hộp nhưng với cái giá đắt đỏ."

Tương tự gia đình anh Hamid, bà Mona Abdel Hamid (55 tuổi) cũng đã phải sơ tán khỏi thành phố Gaza để đến nương nhờ nhà người thân ở thành phố Rafah.

Bà chia sẻ: "Không điện, không nước, không Internet. Tôi cảm thấy không còn là cuộc sống con người nữa."

Bà Sabah Masbah (50 tuổi) cùng chồng, con và hơn 20 người thân sống tạm tại nhà bạn ở thành phố Rafah. Bà cho biết: "Điều tồi tệ nhất và nguy hiểm nhất là chúng tôi không tìm được nước sinh hoạt. Chúng tôi đều không được tắm rửa vì nước rất khan hiếm."

Trong khi đó, Esam, một thanh niên ở thành phố Khan Yunis phía Nam Dải Gaza, cho biết nhà anh đã tiếp nhận nhiều người di tản từ thành phố Gaza và một vấn đề lớn là thiếu nước sinh hoạt. Esam chia sẻ: "Mỗi ngày chúng tôi đều nghĩ làm thế nào để có nước. Nếu sử dụng nước để tắm thì không có nước để uống."

Hôm 9/10, Chính quyền Israel đã ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người, cắt nguồn cung cấp nước, thực phẩm và nhiên liệu, sau khi bùng phát xung đột với Lực lượng Hamas kiểm soát vùng lãnh thổ này.

Người dân trên khắp Dải Gaza hiện không có nước sạch để dùng khi nhà máy nước và mạng lưới nước công cộng ngừng hoạt động. Nhiều người buộc phải sử dụng nước từ giếng đào, theo đó tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước.

Cơ quan Cứu trợ Người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết nước đã trở thành vấn đề “sống còn” đối với người dân ở Dải Gaza.

Vấn đề khó khăn này đối với người dân ở Dải Gaza cũng chính là vấn đề mà Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm nay tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng, ổn định xã hội và hòa bình cho thế giới.

Người dân ở Dải Gaza chật vật tìm nước sinh hoạt giữa xung đột ảnh 2Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm tại miền Nam Dải Gaza, ngày 15/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước những thách thức về nước sạch trên toàn cầu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra thông điệp cho Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 là: “Nước là cuộc sống, nước là thức ăn. Không để ai bị bỏ lại phía sau!”

Coi nước là nền tảng của lương thực, FAO nhấn mạnh việc quản lý tài nguyên nước bền vững, hiệu quả và công bằng là điều cần thiết đối với tương lai an ninh lương thực cũng như con người và Hành tinh Xanh.

Để làm được điều này, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào những giải pháp quản lý nguồn tài nguyên nước, trong đó hướng đến những giải pháp dựa vào công nghệ tiên tiến và khoa học hiện đại.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc FAO cũng nêu bật sự cần thiết phải quản lý những lợi ích xung đột mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nước, năng lượng và lương thực.

Theo FAO, tất cả mọi người đều có thể trở thành những nhà quản lý nước ở nhiều cấp độ khác nhau, nhằm hướng tới "Bốn mục tiêu tốt hơn" (Four Betters) mà FAO đề ra, đó là: Sản xuất tốt hơn, Dinh dưỡng tốt hơn, Môi trường tốt hơn và Cuộc sống tốt hơn - để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục