Cuộc điều tra dư luận mới đây cho biết 81,4% số người được hỏi cho rằng Chính phủ Nhật Bản chưa giải thích đầy đủ về dự luật cải cách an ninh nhằm mở rộng vai trò của binh sỹ Nhật Bản trong khi 14,2% bày tỏ quan điểm phản đối.
Trong cuộc điều tra qua điện thoại ngày 30-31/5 do hãng tin Kyodo tiến hành, 68% cho biết luật an ninh nếu được thông qua sẽ làm gia tăng nguy cơ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) bị lôi kéo vào chiến tranh trong khi 26,1% kỳ vọng “sẽ không thay đổi gì.” Chỉ 2,6% cho biết các đạo luật sẽ hạ thấp nguy cơ trên.
Chính phủ của Thủ tướng Abe đang tìm cách thông qua dự luật trong phiên họp hiện nay tại Quốc hội theo đó thúc đẩy SDF can dự vào quyền phòng vệ tập thể và gia tăng hỗ trợ hậu cần và hoạt động gìn giữ hoà bình của Nhật Bản ở nước ngoài.
Quyền phòng vệ tập thể cho phép Tokyo hỗ trợ đồng minh trước một cuộc tấn công vũ trang ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công.
Tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã giảm 2,8% so với cuộc điều tra trước trong tháng 4/2015 xuống mức 49,9% trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng 3,1% lên mức 38%.
Cuộc điều tra trên, được tiến hành thông qua gọi điện ngẫu nhiên đến các hộ gia đình, tiến hành với 1.456 hộ có cử tri hợp lệ và nhận được câu trả lời hợp lệ của 1.026 người.
Dư luận hiện nay vẫn chia rẽ xung quanh việc Thủ tướng Abe thúc đẩy chính sách an ninh “tích cực hơn” mà theo đó một số người phản đối và các nghị sỹ đối lập cho rằng nó sẽ làm xói mòn tinh thần của Hiến pháp hoà bình.
Trong cuộc điều tra lần này, 47,6% bày tỏ phản đối dự luật trên và 35,4% lên tiếng ủng hộ.
Từ khi bắt đầu thảo luận tại Quốc hội vào cuối tháng 5/2015, các đảng đối lập đã tăng cường áp lực yêu cầu chính quyền Abe phải giải thích rõ ràng về việc làm sao để đảm bảo an toàn cho các quân nhân SDF và vẫn luôn nhất quán với chính sách quốc phòng mang tính đặc thù của nước này.
Ông Abe cho rằng một loạt các thay đổi trong chính sách an ninh là cần thiết và sự phối hợp giữa SDF và quân đội Mỹ trong liên minh an ninh sẽ tạo ra một sự răn đe trong bối cảnh an ninh phức tạp như hiện nay.
Cho đến khi Chính quyền Abe quyết định thay đổi cách hiểu đối với Hiến pháp hồi tháng 7/2014, Nhật Bản đã duy trì quyền phòng vệ tập thể nhưng không thực thi trong khi Hiến pháp chỉ cho phép sử dụng vũ lực để phòng vệ ở mức tối thiểu.
Đứng đầu là Thủ tướng Abe, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền muốn sửa đổi bản Hiến pháp do Mỹ soạn thảo này lần đầu tiên kể từ khi nó bắt đầu có hiệu lực vào năm 1947.
Cuộc điều tra mới nhất cho thấy 46% ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong khi 42,1% phản đối động thái này.
Khi được hỏi về tuyên bố sắp tới của ông Abe nhân kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai vào mùa Hè này, 54,5% số người trả lời cho rằng Thủ tướng Abe cần đưa vào diễn văn những từ như “hỗi lỗi” và “xin lỗi” gửi đến người dân ở các nước châu Á từng gánh chịu “chế độ thực dân và xâm lược” của Nhật Bản.
Liên quan đến kế hoạch tái bố trí gây tranh cãi đối với Căn cứ không quân Futenma của Lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ, 49,6% thúc giục chính phủ ngừng công tác chuẩn bị lấy lại đất xây dựng một cơ sở thay thế trong khi 37,2% bày tỏ ủng hộ Tokyo xúc tiến dự án này.
Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga, và nhiều người dân địa phương ở tỉnh Tây Nam vẫn phản đối kế hoạch di dời căn cứ này từ khu vực đông dân cư ở Ginowan về khu vực ven biển ở Nago.
Okinawa là nơi đặt phần lớn các cơ sở quân sự của Mỹ ở Nhật Bản./.