Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 1/1, người dân Nhật Bản đón Năm mới 2022 trong bầu không khí vui tươi và phấn khởi.
Sau một năm khá thành công trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt trong việc kiểm soát dịch COVID-19, tất cả đều hy vọng dịch bệnh nguy hiểm này sẽ sớm kết thúc và nền kinh tế nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Năm 2021, Nhật Bản đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm, trong đó dữ dội nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 5 xảy ra vào mùa Hè, với số ca nhiễm mới liên tục tăng từ 864 ca vào ngày 21/6 lên mức đỉnh 25.892 ca vào ngày 20/8/2021.
Tuy nhiên, nước này đã khống chế thành công cả 3 làn sóng đó, với tỷ lệ tử vong thấp. Hiện nay, mỗi ngày Nhật Bản chỉ ghi nhận khoảng 500 ca nhiễm mới/ngày, thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước khác trên thế giới, bất chấp việc biến thể Omicron đã xâm nhập từ cuối tháng 11.
Trong bối cảnh đó, kể từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế. Nhờ vậy, hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội đã được khôi phục.
Với kết quả như vậy, đa số người Nhật Bản đều bày tỏ tin tưởng vào các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ. Trả lời phỏng vấn TTXVN, chị Chan, sinh viên của một trường đại học ở Tokyo, nói: “Tôi nghĩ rằng các chính sách hiện nay của chính phủ nhằm ứng phó với dịch COVID-19 khá tốt. Tôi tin rằng dịch bệnh này sẽ nhanh chóng được khống chế.” Chị Chan cũng hy vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt và chị có thể đi du lịch một cách thỏa mái.
Trước đó, kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo công bố hôm 20/12/2021 cho thấy có 60,9% số người tham gia thăm dò ủng hộ cách xử lý dịch COVID-19 của Thủ tướng Kishida Fumio, tăng 2,6% so với cuộc thăm dò trước, trong khi chỉ có 35,2% đánh giá thấp cách xử lý của ông này.
Về kinh tế, sau khi sụt giảm kỷ lục 4,5% trong tài khóa 2020 do sự bùng phát của dịch COVID-19, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng trở lại vào mùa Thu năm 2021 nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào đầu tháng 10.
Các chuyên gia dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể sẽ tăng từ 2% đến 4% trong tài khóa 2022, bắt đầu từ tháng 4/2022. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,6% trong tài khóa 2021 và 3,2% trong tài khóa 2022.
Về chính trị, Nhật Bản đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Hạ viện vào cuối tháng 10 và tại đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Kishida đã giành tới 261 ghế trong tổng số 465 ghế, tiếp tục duy trì thế đa số tuyệt đối ổn định ở cơ quan lập pháp này.
Trên mặt trận đối ngoại, bất chấp dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, Nhật Bản vẫn tổ chức thành công các thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020, qua đó góp phần nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định với thế giới rằng nếu có sự quyết tâm và sự đoàn kết, nhân loại hoàn toàn có thể chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này.
Đối với năm 2022, trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới, Thủ tướng Kishida khẳng định cải cách hiến pháp sẽ là “chủ đề quan trọng” trong năm nay. Ông cam kết đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm đạt được mục tiêu của LDP cầm quyền là sửa đổi hiến pháp.
[Nhật Bản áp dụng linh hoạt biện pháp ngăn chặn biến thể Omicron]
Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng cam kết tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để phòng chống dịch COVID-19. Ông nói: “Tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc phòng ngừa, xét nghiệm và chữa trị sớm và giảm thiểu rủi ro mà dịch COVID-19 gây ra cho xã hội.”
Mặt khác, Thủ tướng Kishida tuyên bố mặc dù việc ứng phó với dịch COVID-19 vẫn là một ưu tiên nhưng một khi Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chính phủ sẽ tập trung vào các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái phân phối của cải hướng tới xây dựng “chủ nghĩa tư bản mới.”
Để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19, vào cuối tháng trước, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung có tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ yen (khoảng 313 tỷ USD) cho tài khóa 2021.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ sử dụng ngân sách bổ sung này để tài trợ một phần cho gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 78.900 tỷ yen. Nếu được triển khai, gói kích thích này sẽ là cú hích rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.
Trên mặt trận ngoại giao, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải có lãnh đạo giỏi để đối phó với sự khắc nghiệt và phức tạp của các vấn đề quốc tế, đồng thời cho biết ông sẽ đẩy mạnh ngoại giao cấp cao trong năm nay.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cam kết thúc đẩy cái mà ông gọi là cách tiếp cận ngoại giao dựa trên “chủ nghĩa hiện thực cho kỷ nguyên mới.”
Theo Thủ tướng Kishida, cách tiếp cận bao gồm ba trụ cột là: tập trung vào các giá trị phổ quát, tham gia vào các nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu, và “kiên quyết bảo vệ” sinh mạng và sinh kế của người dân./.