Người dân Nhật Bản cổ vũ đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam

Các vận động viên đã nhận được sự cổ vũ hết sức nhiệt tình từ thị trưởng và người dân thành phố Kokubunji, Tokyo - một trong những “thành phố chủ nhà” của Việt Nam tại thế vận hội.
Người dân Nhật Bản cổ vũ đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam ảnh 1Người dân Kokubunji viết thông điệp cổ vũ cho các vận động viên Việt Nam. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Chỉ còn một ngày nữa, các vận động viên người khuyết tật Việt Nam sẽ bắt đầu tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020.

Ngay trước khi bước vào hành trình đầy cam go này, họ đã nhận được sự cổ vũ hết sức nhiệt tình từ thị trưởng và người dân thành phố Kokubunji, Tokyo - một trong những “thành phố chủ nhà” (host town) của Việt Nam tại thế vận hội lần này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, ông Kunio Izawa, Thị trưởng Kokubunji, nói: “Thay mặt cho thành phố Kokubunji, tôi xin gửi lời chúc nồng nhiệt và sâu sắc nhất đến với các vận động viên Việt Nam. Tôi mong rằng các tuyển thủ nỗ lực và giành được huy chương, mang vinh quang về cho tổ quốc. Kokubunji và các thanh thiếu niên của thành phố luôn ủng hộ các bạn."

Lý giải về quyết định đăng ký làm “host town” của Việt Nam, ông Izawa chia sẻ: “Tôi đã tới Việt Nam. Tôi thấy rằng đó thực sự là một đất nước tươi đẹp của những người thân thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Vì vậy, chúng tôi muốn cổ vũ cho đoàn thể thao Việt Nam tại các thế vận hội Olympic và Paralympic 2020."

[Cộng đồng người Việt ở Nhật Bản "tiếp lửa" cho các VĐV Việt Nam]

Nằm ở phía Tây thủ đô Tokyo, Kokubunji là một trong những “thành phố chủ nhà” của Việt Nam tại cả Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Tháng 10/2019, Kokubunji đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam về việc thành phố này tiếp đón vận động viên người khuyết tật Việt Nam tham gia môn bơi sang tập huấn trước thềm Paralympic. Tuy nhiên, do bùng phát dịch COVID-19 nên thành phố đã không thể đón các vận động viên Việt Nam sang tập huấn như kế hoạch ban đầu.

Về quan hệ giữa hai nước, ông Izawa cũng cho rằng người dân Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng rất lớn về nhiều mặt. Vì vậy, ông mong rằng mối quan hệ giữa hai nước nói chung và giữa Kokubunji và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục bền chặt hơn nữa.

Về phần mình, ông Ueda Yuta, một cư dân của Kokubunji, nói: “Tôi có khá nhiều đồng nghiệp người Việt và cũng có nhiều bạn bè ở Việt Nam. Lần này, Kokubunji đăng ký làm thành phố chủ nhà của đoàn thể thao Việt Nam. Là một công dân của thành phố Kokubunji, tôi đến đây để mong muốn góp phần công sức hỗ trợ cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự Paralympic lần này."

Người dân Nhật Bản cổ vũ đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam ảnh 2Các biểu ngữ ''Việt Nam cố lên'' được treo ở nhiều nơi tại thành phố Kokubunji. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Trong khi đó, ông Isobe Udai, nhân viên của RION - hãng sản xuất máy trợ thính lớn nhất Nhật Bản, chia sẻ: “Là một doanh nghiệp của thành phố Kokubunji, chúng tôi mong muốn được cũng cấp những sản phẩm tốt nhất cho các vận động viên khuyết tật của Việt Nam. Tại Paralympic sắp tới, chúng tôi muốn các vận động viên của Việt Nam trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm của chúng tôi. Thời gian tới, chúng tôi muốn đưa máy trợ thính đến với thị trường Việt Nam để hỗ trợ những người không may có khiếm khuyết về thính lực."

Paralympic Tokyo 2020 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9 ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh gồm Chiba, Saitama và Shizuoka, với sự tham gia của khoảng 4.400 vận động viên từ gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự thế vận hội này gồm 15 thành viên, trong đó có bảy vận động viên. Các vận động viên Việt Nam sẽ thi đấu ở ba môn thể thao gồm bơi, cử tạ và điền kinh.

Dự kiến, đoàn Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Paralympic Tokyo vào tối 24/8 với tối đa hai vận động viên và một huấn luyện viên cho mỗi môn thể thao. Một ngày sau đó, các vận động viên Việt Nam sẽ chính thức xuất trận ở nội dung bơi tự do S6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục