Sáng 24/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.
Nhiều trường hợp mắc COVID-19 mà không biểu hiện bệnh
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 17/4 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc mới; trong đó có 224 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 83%); 44 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 7 cơ sở khám, chữa bệnh.
Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đã có tiến triển trong những ngày gần đây; 21 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên với virus SARS-CoV-2 (trong đó có 9 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
Thông tin mới nhất cho biết Sở Y tế và Bệnh viện Phổi Đồng Nai vừa làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân V,V.T sau hơn 2 tuần điều trị. Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 225 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
[Infographics] Ngày thứ 8 Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới
Hiện tại, có 13 ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại ổ dịch ở thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội), không phát hiện ca mắc mới; 14.242 mẫu được xét nghiệm, kết quả tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Các cơ quan chức năng đã xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đối với 415 mẫu phẩm của các đối tượng F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 268 tại Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), tất cả đều cho kết quả âm tính.
Ngày 23/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định dỡ cách ly đối với thị trấn Đồng Văn và thôn Tả Kha thuộc thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn).
Dù từ ngày 17/4 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc COVID-19 mới nhưng nhiều chuyên gia y tế cho rằng nguy cơ dịch vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng.
Do đó, người dân không nên chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền và ngành y tế để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho biết giai đoạn đầu, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập. Giai đoạn tiếp theo có sự lây lan cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giãn cách xã hội kịp thời, quyết liệt, nên ngăn chặn được dịch bệnh đúng lúc, không bùng phát, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Về cơ bản, các ổ dịch đã được phong tỏa quyết liệt, tất cả người nhiễm bệnh được quản lý, cách ly, ngăn chặn sự lây lan.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội cũng không thể giải quyết được 100% dịch bệnh cũng như sự lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ có thể làm giảm tối đa việc người mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại; hạn chế được sự lây lan một cách thấp nhất. Vẫn còn trường hợp người mang mầm bệnh đang sống trong cộng đồng, có thể lây lan ra và các ổ dịch tiếp theo có thể xuất hiện.
Việt Nam đã làm tốt việc ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhưng có thể những người mắc bệnh vẫn được phát hiện trong thời gian tới. Điều quan trọng là hạn chế, không để các ổ dịch nhỏ bùng phát thành các ổ dịch lớn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khẳng định theo nghiên cứu dịch tễ đã được thực hiện với 245 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (trong tổng số 268 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam), có hơn 40% không mang biểu hiện bệnh.
Các trường hợp còn lại có biểu hiện bệnh nhưng cũng chỉ xuất hiện các triệu chứng: ho, sốt...
Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đã có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng sau đó dương tính trở lại.
Việc này đã được nhiều nước nghiên cứu, đặc biệt phía Hàn Quốc đã có báo cáo nghiên cứu đối với gần 200 ca bệnh, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận. Phía Hàn Quốc hiện đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Nhận định về các trường hợp mắc COVID-19 đang ở trong cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho rằng khó có thể biết được bởi có những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có biểu hiện sốt, ho. Nếu họ không vào bệnh viện thì sẽ khó phát hiện.
Các ca bệnh này nếu tiếp xúc gần với người lành thì bệnh sẽ tiếp tục lây lan. Đó là lý do vì sao nhiều nước đang thực hiện giãn cách xã hội thì phải chuyển sang phong tỏa. Vì vậy không nên chủ quan.
Khẳng định rằng sau giãn cách xã hội, dịch COVID-19 vẫn có thể lây lan ra cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu đề nghị trong thời gian tới chúng ta có thể chung sống với dịch bệnh nhưng phải trong điều kiện tốt nhất, có thể có các trường hợp mắc nhưng không để bùng phát lớn như một số nước khác. Các bộ, ngành, địa phương cần có những ứng xử phù hợp trong việc đưa ra các điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Thông tin thêm về những trường hợp các bệnh nhân mắc COVID-19 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 rồi lại dương tính, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, cho biết về chuyên môn, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn hoặc đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải xác virus. Còn trường hợp người lành mang bệnh xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để tiêu diệt… Bộ Y tế đang giao cho hai cơ quan nghiên cứu sâu các trường hợp này.
Theo Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Thanh Long, thực tế có thể Việt Nam không ghi nhận những ca bệnh mới song vẫn có thể có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng không phát hiện ra được. Do chưa có vắcxin, thuốc đặc trị, nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại. Bài học từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... đều cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.
Mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: "Cần nhắc lại một lần nữa, đây là lúc tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta vui mừng vì những con số biết nói cho thấy đến giờ phút này chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh; vui mừng vì sau hai tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay dịch được kiểm soát; vui mừng vì trẻ em sắp được đến trường và nhiều niềm vui khác nhưng lúc này chúng ta không nên quên rằng trên thế giới mỗi ngày có khoảng trên 50.000 người nhiễm bệnh mới, 5.000 người tử vong và nhiều nơi tưởng chừng dịch đã kiểm soát được nhưng lại bùng phát lại."
"Chúng ta không được quên virus này rất biến ảo, có rất nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Nhiều người có thời gian ủ bệnh rất dài, không chỉ 14 ngày. Có không ít người đã âm tính mấy lần với SARS-CoV-2 rồi dương tính trở lại. Khoa học cũng xác định có những người lành mang mầm bệnh. Các chuyên gia đều nói ở tất cả các quốc gia, không riêng Việt Nam, rủi ro vẫn cao, trong xã hội vẫn có người mang mầm bệnh."
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia cần có các hướng dẫn chi tiết đến từng ngành: giao thông, sản xuất kinh doanh..., đặc biệt là đối với việc học sinh trở lại trường, để bảo đảm an toàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nắm được điều kiện lớp học, giáo viên, trang thiết bị ở từng cấp, từng tỉnh, do đó, phải soạn ra văn bản thật chi tiết để hướng dẫn chứ không chỉ đơn thuần, máy móc.
"Chúng ta vui mừng vì có kết quả như ngày nay, lạc quan tin tưởng vì sự lãnh đạo, thực thi đúng đắn nhưng đừng quên chúng ta mới chỉ thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng lợi hoàn toàn cả cuộc chiến. Phải cùng nhau tiếp tục thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo mới có thể thắng hoàn toàn," Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khuyến cáo người dân dù vui mừng nhưng cần đúng mức bởi nguy cơ dịch vẫn còn. Chúng ta cố gắng sớm trở lại cuộc sống bình thường nhưng là trong điều kiện vẫn còn nguy cơ bệnh dịch rình rập. Vì sức khỏe của mình và cộng đồng, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của ngành y tế. Dù không còn cách ly xã hội nhưng hãy hạn chế tối đa ra ngoài, hạn chế tối đa tiếp xúc.
Nếu phải đi ra ngoài, phải tiếp xúc thì phải luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Khi về nhà hay ở bất kỳ đâu, nếu phải chạm vào vật gì không thể biết được có mang virus hay không, thì chúng ta hãy rửa tay sạch. Đây là điều không hề thừa bởi nguy cơ dịch bệnh vẫn ở ngay xung quanh mỗi người. Mọi người dân hãy vì mình và cộng đồng, cố gắng không chủ quan, lơi lỏng./.