Tổng thống Donald Trump phải chịu trách nhiệm về việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần và tình trạng này đã bước sang ngày thứ 25 - thời gian đình trệ dài nhất từ trước tới nay.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos công bố ngày 15/1 cho thấy đa số người dân Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Trump về tình trạng đóng cửa một phần chính phủ liên bang.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 8-14/1 và có 51% số người được hỏi cho rằng ông Trump là căn nguyên gây ra tình trạng này.
[Đóng cửa chính phủ: Sát hạch cho "nghệ thuật đàm phán" của ông Trump]
Kết quả này tương tự với cuộc thăm dò trong tuần đầu tiên của tháng Một này.
Từ ngày 22/12/2018, khoảng 1/4 Chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa, theo đó khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương trong 3 tuần qua do Quốc hội không thể thông qua một dự luật chi tiêu dành cho chính phủ liên bang.
Nguyên nhân chủ yếu là do Tổng thống Trump và phe Dân chủ không thể thống nhất về vấn đề bức tường biên giới Mỹ-Mexico.
Tổng thống Trump yêu cầu khoản chi hơn 5 tỷ USD cho bức tường biên giới phải có trong dự luật ngân sách liên bang, song phe Dân chủ kiên quyết phản đối và tới nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ vấn đề này.
Trong một diễn biến khác, ngày 15/1, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã từ chối lời mời của Tổng thống Trump đến dự một bữa trưa làm việc tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề an ninh biên giới.
Giới quan sát đánh giá đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nghị sĩ Dân chủ kiên quyết phản đối bức tường biên giới.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh: "Đã tới lúc các nghị sỹ Dân chủ ngồi vào bàn đàm phán."
Giới chuyên gia kinh tế nhận định tình trạng một phần Chính phủ Mỹ đóng cửa không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol, mà còn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Thậm chí, nền kinh tế Mỹ còn đối diện với nguy cơ chịu hậu quả tồi tệ hơn nữa nếu thời gian này kéo dài tới “nhiều tháng” như lời đe dọa của Tổng thống Trump trong cuộc thương lượng với các nhà lập pháp đảng Dân chủ.
Hầu hết các nhà kinh tế dự báo rằng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu năm 2019 sẽ sụt giảm.
Các nghiên cứu chỉ ra ra rằng cứ mỗi tuần một phần chính phủ đóng cửa, tốc độ tăng trưởng của cả quý sẽ giảm từ 0,05-0,1%. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng GDP của cả quý I sẽ giảm từ 0,1-0,2%.
Dựa vào các nghiên cứu trên, nhà kinh tế học Daniel Silver của tổ chức tài chính JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ quý đầu tiên năm 2019 từ 2,25% xuống còn 2%.
Trong khi đó, các giám đốc ngân hàng cảnh báo tuy các điều kiện kinh tế vẫn chắc chắn nhưng động lực tăng trưởng đang suy yếu.
Tình trạng chính phủ đóng cửa một phần kéo dài đã phủ bóng đen khi lên triển vọng tăng trưởng, đặc biệt đáng lưu ý khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng và các chính sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) chưa rõ ràng.
Kết quả hoạt động kinh doanh của các tập đoàn tài chính đa quốc gia như JPMorgan, Wells Fargo trong quý cuối cùng của năm 2018 đã phản ánh những tác động tiêu cực của việc một phần chính phủ đóng cửa.
Thực tế này khiến các tập đoàn sẽ phải cân nhắc điều chỉnh các kế hoạch trong tương lai./.