Người dân Mỹ hưởng lợi về kinh tế trong đại dịch COVID-19

Trên website realtimeinequality.org, các nhà kinh tế thuộc Đại học California-Berkeley ước tính thu nhập của người dân Mỹ nói chung đã tăng thêm 5,3% sau lạm phát từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2021.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, thậm chí ngay cả khi lạm phát xảy ra, hầu hết người dân Mỹ đều đang hưởng lợi về kinh tế.

Nhu cầu lao động tăng cao đồng nghĩa với những người lao động có thu nhập thấp hơn có thể yêu cầu tăng lương, vượt mức leo thang của giá cả.

Các khoản tiền cứu trợ, được các nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa "bật đèn xanh" và được Tổng thống Joe Biden và Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đưa ra đã mang lại cơ hội cho đa số hộ gia đình.

Những người có thu nhập cao hơn đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về giá trị nhà ở và tài sản đầu tư.

Ngay cả những người chỉ trích các chính sách của Tổng thống Biden làm trầm trọng hơn nguy cơ lạm phát cũng cho rằng hiện nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục mang lại cơ hội cho người dân.

Theo ông Michael Strain, người trực tiếp chỉ đạo các nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đối với hầu hết người dân, tình hình kinh tế hiện nay là tốt.

Trên thực tế, dữ liệu thống kê mới nhất của chính phủ cho thấy, lạm phát hằng năm của Mỹ đã tăng lên tới 7,5% - mức cao nhất trong 4 thập kỷ, trong khi tăng trưởng kinh tế hằng năm cũng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4%.

Trên website realtimeinequality.org, các nhà kinh tế thuộc Đại học California-Berkeley ước tính thu nhập của người dân Mỹ nói chung đã tăng thêm 5,3% sau lạm phát từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2021.

[Bất chấp biến thể Omicron, tăng trưởng việc làm tại Mỹ vượt xa kỳ vọng]

Nếu áp dụng thước đo, bao gồm cả hiệu quả của thu nhập lao động và các khoản cứu trợ COVID-19, thì nhóm người có thu nhập thấp nhất (chiếm 50% tại Mỹ) nhận thấy thu nhập của họ tăng thêm 10,9%, so với mức 3,8% của những người có mức thu nhập trung bình (chiếm 40%) và 4,4% của những người có mức thu nhập cao nhất (chiếm 10%).

Nếu chỉ tính những thay đổi về tiền lương, ông Arin Dube thuộc Đại học Massachusetts-Amherst ước tính khoảng 67% số người lao động của Mỹ có tiền lương tăng sau khi xét tới lạm phát trong 2 năm qua.

Chỉ riêng năm 2021 - khi lạm phát tăng đáng kể, hơn 30% số lao động ở Mỹ có mức lương tăng. Thị trường lao động ở Mỹ nóng lên tới mức hàng triệu người lao động nước này tiếp tục bỏ việc để tìm tới những mức lương cao hơn.

Trong khi đó, những người lớn tuổi giàu có hơn tại Mỹ cũng đang được hưởng lợi từ thị trường bất động sản và các thị trường tài chính bùng nổ. Từ tháng 2/2020, chỉ số Dow Jones đã tăng khoảng 19%.

Tuy nhiên, một phân tích gần đây của Wells Fargo cho thấy người tiêu dùng có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá xăng và xe đã qua sử dụng tăng.

Theo các nhà kinh tế của Cal-Berkeley, nhóm người có mức thu nhập trung bình (chiếm 40%) cho biết thu nhập của họ đã bị giảm 1,1% do lạm phát trong năm qua.

Một số nhà nghiên cứu cũng quan ngại kế hoạch giải cứu người dân Mỹ, trị giá 1.900 USD, của Tổng thống Biden là quá lớn và có thể đẩy lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, những nỗ lực của Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát thông qua việc tăng lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục