Người dân mong chờ ngày đặt chân đi tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông

Nhiều người dân háo hức vì lần đầu tiên được trông thấy đoàn tàu đô thị đồng thời mong chờ ngày được đặt chân ngồi trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Người dân mong chờ ngày đặt chân đi tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông ảnh 1Đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông được mở bạt để người dân tham quan, đóng góp ý kiến. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đã mở cửa cho người dân vào tham quan nhà ga La Khê (Hà Đông) và chiêm ngưỡng tận mắt đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông để lấy ý kiến đóng góp trước khi chính thức đi vào hoạt động vào sáng nay (20/5).

Nhiều người dân háo hức vì lần đầu tiên được trông thấy đoàn tàu đô thị đồng thời mong chờ ngày được đặt chân ngồi trên tuyến đường sắt này.

[Người dân háo hức tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông và ga mẫu La Khê]

Nhà ở Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), qua các thông tin truyền thông, bác Trần Trọng Khanh, 67 tuổi có mặt từ rất sớm tại ga La Khê để tận mắt thấy đoàn tàu cũng như nhà ga và tìm hiểu về dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội chuẩn bị được đưa vào hoạt động.

Theo bác Khanh, nhà ga La Khê với các lối lên xuống rộng rãi, các chỉ dẫn được gắn khá khoa học, thuận tiện được bố trí trong toàn nhà ga, quầy soát vé tự động cũng được triển khai lắp đặt và có những hướng dẫn để khách làm quen, từ đó tạo thói quen sử dụng hình thức giao thông mới. Tàu Cát Linh-Hà Đông có hình dáng bên ngoài khá thanh thoát, màu sắc xanh lá cây thân thiện môi trường.

“Nhiều người dân sáng nay đều tỏ ra hào hứng và xen lẫn tò mò bởi lần đầu tiên Thủ đô có tuyến đường sắt đô thị hiện đại sắp đưa vào khai thác bởi đa phần trước đây chủ yếu xem qua tivi, sách báo hoặc trên mạng internet. Chắc chắn, khi đoàn tàu lăn bánh, tôi sẽ là một trong những hành khách đầu tiên để có thể trải nghiệm đoàn tàu trên cao,” bác Khanh hồ hởi nói.

Vốn đã đi nước ngoài và từng ngồi trên đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc, chị Nguyễn Thị Bình Trang (Hà Đông) có cách nhìn khá toàn diện và so sánh về mẫu đường sắt đô thị giữa Việt Nam và các nước.

“Ở nước ngoài, đường sắt đô thị chính là xương sống chính trong hệ thống vận tải công cộng với ưu việt vận tải khối lượng lớn, giúp hạn chế xe cá nhân và góp phần ùn tắc giao thông. Đến giờ, nước ta mới chuẩn bị đưa vào tuyến đầu tiên hoạt động là khá muộn đồng thời phải có kết nối với các tuyến khác, kể cả là xe buýt,” chị Trang nhìn nhận.

Người dân mong chờ ngày đặt chân đi tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông ảnh 2Nhiều người dân háo hức vì lần đầu tiên được trông thấy đoàn tàu đô thị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thực tế dạo qua một vòng nhà ga và ngắm đoàn tàu, chị Trang nhận xét chi tiết như cầu thang quá cao, nhiều người kêu mệt, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Chưa kể, giữa mép sàn tàu và hành lang chờ tàu hở ra một khoảng cỡ 15cm dễ lọt bàn chân trẻ con nên khá nguy hiểm. Thậm chí, hệ thống thang máy dành cho người khuyết tật tiếp cận với nhà ga và đi tàu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên người khuyết tật chưa thể tham quan và biết được cách thức hoạt động của tuyến đường sắt này ra sao.

Tại buổi lễ mở bạt đoàn tàu và thăm quan nhà ga mẫu La Khê, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá sau nhiều nỗ lực trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ ngành, đến giờ phút này dự án đã cơ bản hoàn thành được 12 nhà ga, hoàn thành khu Deport, từng bước đưa vào lắp đặt thiết bị của các đoạn tuyến còn lại.

Về cơ bản, Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian vừa qua, Tổng thầu EPC (Trung Quốc) cũng như Ban quản lý dự án đường sắt phải tập trung mọi nguồn lực, đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy, đảm bảo tiến độ. Bằng chứng là hôm nay, đứng tại ga La Khê này, người dân được chứng kiến một nhà ga khang trang, đẹp đẽ và đáp ứng được mọi không gian, mỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu người dân.

Chính vì vậy, sau buổi lễ này, Thứ trưởng Trường yêu cầu các đơn vị phải tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục, đồng thời lắp đặt thiết bị tại các nhà ga còn lại.

“Phía tổng thầu Trung Quốc phải từng bước có hướng dẫn cách thức sử dụng đối với việc đưa đoàn tàu đi vào hoạt động. Ngoài ra, khi người dân tham quan, phải có người hướng dẫn tỉ mỉ, để họ hiểu và dễ hình dung phương thức hoạt động, nhằm đáp ứng quy định về an toàn và quy định chung của toàn tuyến Cát Linh-Hà Đông. Trong quá trình tổ chức, phải triển khai các phương án tốt nhât đảm bảo an toàn chạy tàu. Đây là yêu cầu cao nhất,” Thứ trưởng Trường nói.

Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị vận hành metro Hà Nội, sau buổi thăm quan phải từng bước hướng dẫn người dân tiếp cận với phương thức vận tải mới này. “Hy vọng với sự quyết tâm của tổng thầu, cũng như các đơn vị liên quan, tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác thử trong năm 2018,” Thứ trưởng Trường nhấn mạnh./.

Một đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông gồm 4 toa, chở được trên 1.200 người, tốc độ tối đa 80 km/giờ. Trong đó, toa đầu máy nặng khoảng 35 tấn, dài 19m, cao 3,8m, rộng 2,8m. Toa khách nặng 32 tấn.

Tàu có thời gian khai thác hàng ngày từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm (18 tiếng, với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công năm 2011 gồm 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, 12 nhà ga... Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2016 nhưng bị chậm tiến độ, nên chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm nay và khai trương vào quý 2/2018./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục