Người dân mệt nhoài về Thủ đô, nhà xe ‘chặt chém, nhồi khách’

Ngày 1/5, ngày nghỉ cuối cùng của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, người dân ngoại tỉnh ùn ùn đổ về thủ đô khiến nhiều bến xe ken cứng người, trong khi các nhà xe tha hồ “chặt chém” giá vé.
Xe khách ùn ùn về các bến xe Hà Nội cõng theo một lượng lớn người dân ngoại tỉnh đổ về Thủ đô sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. (Ảnh: Việt Hùng)

Ngày 1/5, ngày nghỉ cuối cùng của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, người dân ngoại tỉnh ùn ùn đổ về Thủ đô khiến nhiều bến xe ken cứng người, một số tuyến đường xung quanh bến ùn tắc cục bộ.

Nhiều hành khách tỏ vẻ mệt nhoài sau hành trình bị các nhà xe nhồi nhét, “chặt chém” giá vé.

Ngồi tựa vào tường bên cạnh chiếc balo, khuôn mặt tái mét, lộ rõ sự mệt mỏi, em Phạm Thị Hương, (thành phố Ninh Bình), sinh viên trường Đại học Công Đoàn đang chờ người thân ra bến đón.

[Công bố 20 đường dây nóng dân phản ánh về giao thông dịp nghỉ lễ 30/4]

Lo sợ đường ùn tắc mỗi dịp nghỉ lễ, sau bữa cơm trưa nay, Hương vội vã ra đầu đường gần nhà đón xe lên Thủ đô. Khi xe rời bến, vẫn còn tới 8 ghế trống. Tuy nhiên, chỉ đi chừng 5km, chiếc xe khách 29 chỗ Hyundai County biển kiểm soát 35B-000.91 đã chật ních người. Thậm chí, chủ xe còn xếp ghế nhựa giữa lối đi để bố trí thêm một hàng ghế cho khách.

Theo Hương, những hành khách bắt xe giữa đường đều bị cánh lơ xe nhét vào hàng ghế giữa. Thậm chí, dọc đường đi, rất nhiều cánh tay khách vẫy để được lên xe nhưng chủ xe chỉ lựa chọn những khách đồ đạc gọn nhẹ mới cho lên và cố “nhồi” thêm vào những chỗ còn có thể ngồi hoặc đứng.

“Xe 29 chỗ nhưng nhà xe thực tế chở lên tới gần 40 người. Chưa kể, giá vé ngày hôm nay 100.000 đồng, đắt hơn 30.000 đồng so với ngày thường (tăng 35%). Những khách bắt xe từ Phủ Lý hay Đồng Văn lên đều cùng giá,” Hương thành thật nói.

Ngồi kế bên, chị Quỳnh Anh cùng 2 đứa con nhỏ đang thẫn thờ ngồi uống nước trong khu vực quán của bến xe Giáp Bát sau hành trình về Thủ đô đầy khó nhọc.

Quê ở huyện Xuân Trường (Nam Định), tranh thủ vài ngày nghỉ, chị cùng các con về nhà nội thăm ông bà. Vốn là ở huyện, lượng xe liên tỉnh rất ít, do đó, chị đã liên hệ chủ xe để đặt chỗ nhằm tìm cho mình một ghế ngồi. Tuy nhiên, lúc lên xe, chị Quỳnh Anh “tá hỏa” khi mọi ghế ngồi đều đã ken cứng khách. Chỉ còn hàng ghế giữa lối đi, tặc lưỡi thở dài, chị ôm đứa bé vào lòng, đứa nhỏ xin nhờ ngồi ké khách bên cạnh.

“Trời hôm nay nóng, trên xe đông nên ai cũng cảm thấy ngột ngạt. Cứ đi một đoạn, nhà xe lại nhét thêm khách. Thực tế, nhiều người nghĩ không lên là không còn xe nên đành phải nhanh chóng leo chân lên xe. Dù có đứng nhưng cũng về được Hà Nội để ngày mai còn đi làm,” chị Quỳnh Anh lắc đầu ngao ngán nói.

Chị vừa dứt lời, đứa bé nôn thốc bữa ăn trưa nay, có lẽ là do mệt và bị choáng sau chặng đường dài từ quê lên Hà Nội.

Tại các trục đường trước cửa bến xe như Phạm Văn Đồng, Giáp Bát, Nguyễn Hoàng đều rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông liên tục phân làn phương tiện để giải tỏa lượng người đổ về mỗi lúc một đông.

Phía bên ngoài khu vực bến, đội ngũ xe ôm hoặc Grabbike thi nhau chèo kéo khách. Những chiếc xe buýt về bến, hành khách vội vã xô nhau lên.

Một số hình ảnh ghi nhận người dân về Thủ đô sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5:

Hành khách với lỉnh kỉnh đồ đạc từ quê mang lên. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Lượng khách đông nên nhà xe tha hồ nhồi nhét, chặt chém giá vé. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hành khách lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình dài về Thủ đô vào mỗi dịp nghỉ lễ kéo dài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Khu vực đường Nguyễn Hoàng sát bến xe Mỹ Đình ùn tắc cục bộ vì lượng người dồn về quá lớn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đường Phạm Văn Đồng dẫn về bến xe Mỹ Đình cũng ken cứng phương tiện, ùn tắc do đang thi công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hành khách chen chên lên xe buýt nhằm tìm cho mình một chỗ ngồi sau chuyến xe khách dài và mệt nhọc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục