Người dân ‘lập chốt’ ngăn xe chở rác vào bãi Xuân Sơn: Vì đâu nên nỗi?

Theo người dân xã Tản Lĩnh, việc họ chặn xe chở rác vào bãi rác Xuân Sơn là bởi giá tiền đền bù đất đai trong bán kính 500m dự án mở rộng của bãi rác lần này chưa tương xứng so với 2 dự án trước.
Người dân xóm Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì lập lán chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Suốt 10 ngày nay, Hà Nội lại “nóng” chuyện người dân lập lán trại chặn xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (1 trong 2 bãi rác thải lớn nhất ở thành phố), khiến rác thải ùn ứ tại 13 huyện, thị xã ngoại thành. Đằng sau đó là cả một loạt vấn đề còn tồn tại, vướng mắc về giá đền bù nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Ngăn xe rác vào bãi xử lý để đòi quyền lợi

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) tạm dừng tiếp nhận, xử lý rác từ ngày 7/2/2023, do một số hộ dân tập trung dựng lán ngay trước cổng vào bãi rác, để kiến nghị một số chính sách liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, di dời vùng ảnh hưởng bán kính 500m.

Tuy nhiên, sau 10 ngày xảy ra vụ việc cùng các cuộc gặp gỡ đối thoại giữa người dân và đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh và các bên liên quan, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại thời điểm trưa và chiều 16/2, nhiều người dân xóm Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh vẫn tụ tập tại lán trại dựng trước cổng bãi rác Xuân Sơn để ngăn xe chở rác vào bãi. Bên trong lán được các hộ dân bố trí chiếc dường với đủ chăn, màn và đồ ăn, nước uống.

Trong câu chuyện với phóng viên, bà Vũ Thị Hải (60 tuổi ở xóm Hiệu Lực) cho biết lý do bà và hàng chục người dân trong xóm lập lán trại chặn xe chở rác vào bãi rác Xuân Sơn là bởi số tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trong bán kính 500m dự án mở rộng của bãi rác lần thứ ba này chưa tương xứng so với 2 dự án trước.

Theo bà Hải, trước đây, khi bãi rác Xuân Sơn triển khai dự án mở rộng lần thứ nhất và lần thứ hai, những hộ dân ở ổn định trước năm 1993 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được công nhận 300m đất ở và tài sản hợp pháp như các hộ dân có sổ đỏ, nhưng dự án lần này lại không công nhận.

Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Nếu áp dụng phương án trên, người dân chúng tôi sẽ bị thiệt rất lớn. Bởi theo giá hiện nay, đất ở đối với các hộ có sổ đỏ là 1.971.000 đồng/m2. Còn phần đất ở mà các hộ chưa/không có sổ đỏ thì chỉ có giá 528.000 đồng/m2, tính theo giá đất trồng cây lâu năm. Như nhà tôi có hơn 2.000m2 đất ở và đất vườn (trong đó 400m2 là đất ở) sử dụng từ năm 1987 nhưng chưa có sổ đỏ, tính ra với giá đền bù lần này thì tổng tiền đất ở cũng chỉ được hơn 200 triệu đồng,” bà Hải buồn bã nói.

[Người dân chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn: Hà Nội phân luồng khẩn cấp]

Đáng nói hơn, vào năm 2017 khi bãi rác triển khai dự án mở rộng lần thứ 2, gia đình bà Hải cũng như các hộ dân khác có đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng, đã được đền bù từ 90-181 triệu đồng/sào 360m2 (tùy diện tích trồng lúa, để không); trong đó riêng gia đình bà Hải được đền bù 1 sào với giá gần 1,6 tỷ đồng.

“Cùng chung một thửa đất, một dẻo/khu đất như vậy, thế nhưng hiện nay mỗi sào chỉ được đền bù có hơn 20 triệu đồng. Tính ra, gia đình tôi có gần 3 mẫu đất nông nghiệp nhưng sẽ chỉ được đền bù 540 triệu đồng là rất vô lý,” bà Hải nói.

Cùng một dẻo đất: Nhà có sổ đỏ, nhà trái phép?

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh, dự án mở rộng bãi rác Xuân Sơn lần này có 41 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m cần phải di dời, nhưng chỉ 14 hộ dân có đất ở đã được cấp sổ đỏ. Các trường hợp còn lại có nhà trên đất chưa có sổ đỏ, một số hộ có đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng.

Xét theo quy định pháp luật thì đất chưa có sổ đỏ được xác định là đất nông nghiệp, đất đồi, đất trồng cây lâu năm và các công trình nhà ở của người dân trên phần đất này là công trình trái phép, sẽ không được đền bù khi có dự án.

Cùng một dẻo/khu đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng bởi dự án mở rộng bãi rác Xuân Sơn, nhưng theo người dân, giá đền bù lại khác nhau. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của người dân và đề xuất của Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, ngày 17/1/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án hỗ trợ 30% đơn giá đất ở đối với những hộ dân đã ở trước năm 1993; hỗ trợ 20% giá đất ở với các hộ dân đã ở sau năm 1993.

Dù vậy, nhiều hộ dân xóm Hiệu Lực vẫn không đồng tình với phương án hiện tại.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Xuân Bài, phó trưởng xóm Hiệu Lực bày tỏ băn khoăn tất cả 41 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m của dự án mở rộng bãi rác lần này đều nằm trên cùng một dẻo/khu đất, cùng sinh sống và xây dựng nhà cửa từ lâu, nhưng tại sao một số nhà làm được sổ đỏ, nhà thì không?

“Trong khi người dân vẫn nộp thuế đất nhà ở (có hóa đơn) đầy đủ và năm 2004 đã từng đóng tiền (mỗi hộ đóng khoảng 140.000 đồng) để địa phương thuê đo giải thửa làm sổ đỏ, nhưng đến nay dân vẫn chưa làm được sổ đỏ. Vậy số tiền chúng tôi đóng đã chuyển đi đâu? Trong khi đó, hiện nay những nhà chưa có sổ đỏ lại bị quy là xây dựng trái phép. Vậy để xảy ra tình trạng này - lỗi tại ai?” bà Bài bức xúc nói.

Với lý do trên, bà Bài cho rằng phương án đền bù, hỗ trợ đối với những hộ dân đã ở trước năm 1993 là không thỏa đáng nên bà con sẽ không chấp nhận di dời.

Trong khi đó, theo ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh, việc đóng thuế là nghĩa vụ của nhân dân với Nhà nước về diện tích đất mình đang sử dụng, tuy nhiên đó không phải là điều kiện cần và đủ để họ được cấp sổ đỏ. “Bất kỳ người dân nào, kể cả tôi cũng vậy, khi tôi khai hoang một mảnh đất thì tôi cũng phải đăng ký nộp thuế,” ông Hùng nói.

Còn về việc người dân xóm Hiệu Lực đã từng đóng tiền để địa phương thuê đơn vị tư vấn về đo giải thửa để làm sổ đỏ cho người dân, ông Hùng giải thích trước đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định 1966, ban hành quy định tạm thời về xử lý một số vi phạm trong quản lý, sử dụng đất để có cơ sở cấp sổ đỏ. Tuy vậy, sau đó, không rõ vì lý do gì, việc triển khai quyết định trên đã phải dừng lại.

Khu vực lập lán trại chặn xe ngay trước cổng vào bãi rác Xuân Sơn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Nhưng để làm được sổ đỏ, người dân phải có hồ sơ về các giấy tờ liên quan như hộ khẩu, chứng minh thư, thông tin về diện tích đất,… đề nghị gửi tới chính quyền địa phương như ở cấp xã có bộ phận chuyên môn là địa chính, để địa phương có cơ sở, thẩm định. Nếu người dân không có hồ sơ thì rất khó,” ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Hùng cũng lưu ý hiện tại chính quyền xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì vẫn đang tìm giải pháp cũng như lắng nghe ý kiến của người dân để kiến nghị lên thành phố có phương án đền bù, hỗ trợ thỏa đáng nhất. “Quan điểm của tôi là chính quyền địa phương, huyện và nhân dân bây giờ cần phải 'ngồi chung trên con thuyền' để chèo lái tới một đích chung. Vì thế, người dân đòi quyền lợi cần phải văn minh, không nên chặn xe, chặn bãi rác, khiến cả thành phố bị ảnh hưởng,” ông Hùng nói.

Có chung quan điểm, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì cho rằng nếu người dân thấy phương án đền bù hiện tại chưa thỏa đáng thì vẫn có thể tiếp tục khiếu nại theo đường hành chính. Trên cơ sở đó, cơ quan Nhà nước sẽ tiếp thu, lắng nghe và đồng hành cùng bà con để đề xuất, kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng, tránh thiệt thòi cho bà con.

Mặt khác, bà con cũng cần phải chấp hành quy định, theo vận động của chính quyền là không chặn bãi rác, gây ùn ứ rác cho các huyện, thị xã, cũng như thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục