Người dân khắp nơi đều cảm nhận được 'mùi vị' của khủng hoảng

Khi giá năng lượng, thực phẩm bị đẩy lên cao chót vót, thậm chí khan hiếm ở nhiều thời điểm, thì từ châu Á tới châu Phi, từ châu Âu tới châu Mỹ, người dân đều cảm nhận được "mùi vị" của khủng hoảng.
Người dân khắp nơi đều cảm nhận được 'mùi vị' của khủng hoảng ảnh 1Phân phát lương thực cứu trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người tị nạn ở Debark, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nhiều năm trở lại đây, có lẽ chưa khi nào thuật ngữ "khủng hoảng" lại phổ biến như năm 2022.

"Khủng hoảng" len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống và hầu như ở mọi nơi, mọi lục địa đều cảm nhận được rất rõ ý nghĩa của từ này, bởi nó liên quan trực tiếp tới miếng cơm, manh áo của người dân, từ vấn đề lương thực tới giá điện, xăng dầu và khí đốt hằng ngày.

Khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực, có thể nói ở một góc độ và quy mô nào đó, đã thực sự xảy ra.

Khi giá năng lượng và thực phẩm bị đẩy lên cao chót vót, thậm chí khan hiếm ở nhiều thời điểm, thì từ châu Á tới châu Phi, từ châu Âu tới châu Mỹ, người dân đều có thể cảm nhận được "mùi vị" của khủng hoảng, bởi chúng tuy khác nhau về sắc thái nhưng lại có yếu tố đan xen và tác động qua lại lẫn nhau.

Năng lượng được ví như "máu" cần có để vận hành mọi ngành công nghiệp, các hoạt động kinh tế-thương mại, hộ gia đình và cả hệ thống giao thông vận tải. Một thực tế là cho đến gần đây, nguồn năng lượng này chủ yếu được đáp ứng từ nhiên liệu hóa thạch. Khi nguồn dự trữ năng lượng không bền vững và không còn đủ đáp ứng nhu cầu, người ta bắt đầu nói về khủng hoảng.

[LHQ: 66 triệu phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng]

Do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng khí hậu, nguồn cung năng lượng đang trong tình trạng biến động trên toàn thế giới.

Cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu.

Trên khắp thế giới, người dân và các chính phủ đang tự hỏi: năng lượng của chúng ta sẽ đến từ đâu trong tương lai?

Khi thế giới không có đủ khí đốt cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng như bổ sung lượng dự trữ đã cạn kiệt trước những tháng lạnh giá mùa Đông, các nước thi nhau trả giá cao hơn trong cuộc đua giành nguồn cung. Nút thắt sẽ càng bị siết chặt khi nhiệt độ giảm thêm.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện nay chỉ là sự báo trước về những vấn đề đang chờ đợi phần còn lại của thế giới.

Dự trữ tại các kho châu Âu đang ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm khi có quá ít khí đốt tự nhiên được đưa từ Nga và Na Uy đến.

Tình hình càng đáng báo động hơn vì các turbin gió sản xuất ít điện hơn do thiếu gió, trong khi các nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ của châu Âu đang bị đóng cửa hoặc hỏng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt gần 500% trong năm và hiện đang được giao dịch gần mức cao kỷ lục.

Để hạn chế giá khí đốt quá cao hiện nay ở mức có thể chấp nhận, châu Âu trong nhiều tháng qua đã tìm cách áp đặt mức giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, đây thực sự là vấn đề khó đạt được đồng thuận bởi nhiều nước lo ngại việc áp đặt giá trần quá thấp sẽ khó giữ chân nhà cung cấp, trong khi mức trần cao lại bị nhiều nước thành viên phản đối.

Giá khí đốt đạt đỉnh vào cuối tháng 8/2022 với gần 350 euro/MWh kéo dài trong nhiều ngày, nhưng cuối tháng 11 vừa qua, giá đã giảm xuống còn dưới 150 euro/MWh.

Mức giá trần được Ủy ban châu Âu đưa ra là 275 euro/MWh, nhưng nhiều nước cho rằng mức giá này là quá cao.

Việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga được cho là khó khăn hơn so với áp giá trần dầu mỏ. Lý do lớn nhất là do mức độ phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ và khí đốt khác nhau, do vậy việc thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga đối với EU khó khăn hơn nhiều so với vấn đề dầu mỏ.

Trong năm qua, nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của châu Âu từ Nga đã đạt mức cao kỷ lục.

So với năm 2021, EU cùng Anh đã mua lượng LNG từ Nga nhiều hơn 1/5 lần so với trước khi xung đột Ukraine bùng nổ.

Người dân khắp nơi đều cảm nhận được 'mùi vị' của khủng hoảng ảnh 2Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở Lubieszyn, miền Tây Bắc Ba Lan. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Theo Tổ chức tư vấn PwC, cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa các lĩnh vực then chốt của ngành công nghiệp châu Âu, thậm chí có thể kích hoạt quá trình phi công nghiệp hóa ở châu Âu.

"Lục địa Già" đang mất khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn toàn cầu với tư cách là một địa điểm sản xuất.

Một nghiên cứu mới đây của Strategy & - công ty con của PwC cho biết, ngành công nghiệp Đức đang bị ảnh hưởng nặng nề khi giá khí đốt quá cao. Giám đốc khu vực châu Âu của Strategy &, ông Andreas Späne, nhận định trong tương lai, nhiều công ty có thể quyết định tổ chức lại hoạt động sản xuất ở châu Âu hoặc rút hoàn toàn khỏi châu Âu.

Các ngành công nghiệp kim loại, ôtô và hóa chất đang chịu áp lực rất lớn vì chi phí sản xuất cao hơn.

Mặc dù ngành công nghiệp Đức tiếp tục sản xuất với chi phí thấp hơn mức trung bình của EU trong hầu hết lĩnh vực, nhưng các công ty thuộc các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể chuyển sản xuất sang các khu vực khác bên ngoài châu Âu.

Theo nghiên cứu, về lâu dài, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi cấu trúc hoặc thậm chí là phi công nghiệp hóa ở châu Âu. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định, căng thẳng trên thị trường năng lượng dự kiến chưa giảm bớt cho đến năm 2024.

Hầu hết người dân trên thế giới đều lo ngại giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Theo một cuộc khảo sát được báo Đức Handelsblatt công bố, lạm phát đứng đầu danh sách các mối lo của người dân, trước cả thất nghiệp, tham nhũng và các vấn đề y tế.

Tại các quốc gia Đông Âu được khảo sát (Ba Lan, Serbia, Moldova, Ukraine), 2/3 người dân lo sợ gia đình họ có thể chết đói. Con số này nhiều hơn ở Ấn Độ (59%), tiếp đến là ở Mỹ Latinh và châu Phi.

Đại dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine và sự gián đoạn các chuỗi cung ứng cũng như tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Lúa mỳ - một phần không nhỏ từ Ukraine, cùng nhiều loại thực phẩm khác như bơ, dầu hướng dương,... cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Thực tế, nhiều chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn kể từ khi đại dịch bùng phát mùa Xuân năm 2020, nhưng khủng hoảng lại được "khuếch đại" đáng kể do cuộc xung đột Nga-Ukraine, hai nước đều là những nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới.

Theo Mercy Corps, một tổ chức nhân đạo toàn cầu, lạm phát giá lương thực đang ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến những người dễ bị tổn thương nhất.

Ngay cả việc Ukraine và Nga đạt thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen, thị trường vẫn không thể nhanh chóng ổn định và việc giảm giá khó có thể có tác động ngay lập tức đến người tiêu dùng.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay phần lớn là do gián đoạn hậu cần, chủ yếu là vấn đề vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine.

Tuy nhiên từ năm tới, ngay cả việc sản xuất lương thực cũng sẽ đối mặt với những rủi ro, đặc biệt là ở Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn chu kỳ nông nghiệp hằng năm, ảnh hưởng tới mùa gieo hạt.

Công ty tư vấn McKinsey hồi tháng Tám vừa qua cảnh báo sản lượng thu hoạch của Ukraine sẽ giảm mạnh, ước tính sản lượng ngũ cốc giảm từ 35-45% trong mùa thu hoạch tới.

Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch thấp hơn ở Nga, Brazil và các nước làm nông nghiệp khác cũng sẽ gây khó khăn cho thị trường lương thực toàn cầu.

Sự bùng nổ giá khí đốt đã buộc một số nhà sản xuất phân bón phải cắt giảm quy mô sản xuất. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho nông dân và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao. Nga là nước chiếm gần 1/5 lượng phân bón xuất khẩu toàn cầu, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung. Giá urê, một loại phân bón phổ biến, đã tăng hơn gấp đôi trong một năm.

Kết quả là nông dân trên khắp thế giới sử dụng ít phân bón hơn, làm giảm năng suất cây trồng ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón, như Brazil.

Điều này có khả năng dẫn đến sụt giảm hơn nữa sản lượng ngũ cốc trên thị trường thế giới, đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Khủng hoảng lương thực cũng sẽ ảnh hưởng đến dự báo nghèo đói và theo Ngân hàng Thế giới (WB), mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực (dưới 1,90 USD/ngày) vào năm 2030 của Liên hợp quốc sẽ khó đạt được trong bối cảnh hiện nay.

Nghiên cứu của Allianz Research thậm chí đã xác định hơn 10 nền kinh tế mới nổi có nguy cơ xảy ra tình trạng bất ổn dân sự liên quan đến lương thực trong vài năm tới.

Có thể thấy bên cạnh những lý do như dịch bệnh và biến đổi khí hậu thì cuộc chiến hiện nay ở Ukraine cũng như các xung đột địa chính trị khác đang là nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực mà thế giới đang phải đối mặt. Chừng nào còn xung đột thì khủng hoảng sẽ còn kéo dài.

Điều có thể tạm yên tâm là Liên hợp quốc và các tổ chức lớn của thế giới, như G7, đã đưa ra nhiều cam kết đảm bảo an ninh lương thực cũng như an ninh năng lượng, nhưng để cam kết và sự hỗ trợ đó đến được với người dân ở những nơi bị tổn thương nhất còn là một chặng đường dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục