Người dân Hàn Quốc lạc quan về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Người dân Seoul theo dõi những hình ảnh trên truyền hình tại các phòng chờ ở Nhà ga Seoul và bến xe buýt Seoul Express đã rất phấn khởi về cuộc gặp bất ngờ tại làng đình chiến Panmunjom.
Người dân Hàn Quốc lạc quan về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) sau cuộc gặp Mỹ-Triều ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 30/6, người dân Hàn Quốc đã bày tỏ lạc quan rằng tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể được đẩy nhanh sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có cuộc gặp bất ngờ tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều.

Người dân Seoul theo dõi những hình ảnh trên truyền hình tại các phòng chờ ở Nhà ga Seoul và bến xe buýt Seoul Express đã rất phấn khởi về cuộc gặp.

Nhiều người đã bày tỏ xúc động khi chứng kiến cả ba nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên họp tại cùng một địa điểm và mong muốn 3 nhà lãnh đạo có thể hợp tác để cải thiện quan hệ.

[Tổng thống Trump không nhắc đến "phi hạt nhân hóa" với ông Kim Jong-un]

Tương tự, người dân ở các khu vực và tỉnh biên giới của Hàn Quốc bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ giúp mở đường cho việc khởi động trao đổi liên Triều và các dự án hợp tác đang bị đình trệ.

Bên cạnh những ý kiến lạc quan, cũng có người cho rằng cuộc gặp như vậy sẽ chỉ là sự kiện xảy ra một lần và liệu cuộc gặp lần này có thể tiến triển thành một diễn biến tích cực hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp mang tính lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên.

Cả hai đều đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) trước khi có họp kín riêng tại khu vực phía Nam của DMZ.

Cuộc gặp này diễn ra một cách bất ngờ trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng Hai vừa qua.

Trong khi đó, các cuộc đối thoại liên Triều cũng bị chững lại trong nhiều tháng do quan điểm cứng rắn của Washington về việc duy trì trừng phạt cho tới khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Thời gian gần đây, phía Triều Tiên đã gia tăng các chỉ trích nhằm vào Seoul, hối thúc Seoul thúc đẩy các dự án liên Triều bất chấp các lệnh trừng phạt, đồng thời phê phán việc Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung với Mỹ là "một thách thức lớn" đối với mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, cũng như vi phạm các thỏa thuận quân sự đạt được trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi năm ngoái./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục