Người dân Hà Nội cần nâng cao ý thức phòng dịch để đón Tết an toàn

Mỗi người dân Thủ đô cần nâng cao ý thức vì cộng đồng - không vi phạm các quy định phòng chống dịch, tránh nguy cơ bị lây nhiễm hay phải cách ly để được cùng gia đình đón năm mới đoàn viên, khỏe mạnh.
Người dân Hà Nội cần nâng cao ý thức phòng dịch để đón Tết an toàn ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp liên quan đến các ca F0 trên địa bàn phường Văn Miếu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 14/12, Hà Nội có 1.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay chỉ sau hơn 10 ngày, thành phố ghi nhận tới hơn 1.800 ca mắc/ngày. Có nhiều ngày, Thủ đô dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19.

Hà Nội có thể sẽ “vỡ trận” nếu không kiểm soát được số ca F0 chuyển nặng, gây quá tải bệnh viện dẫn tới tử vong.

Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức - không vi phạm các quy định phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K, cùng thành phố dập tắt các "ổ dịch" để Thủ đô được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong an toàn.

Hơn 100 người tử vong do COVID-19

Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, đến ngày 25/12, toàn thành phố có 19.730 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và cách ly, theo dõi tại nhà, 205 bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng điều trị. Đáng chú ý, từ ngày 27/4 đến nay, tại Hà Nội đã có 109 người tử vong do COVID-19.

Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng. Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, thành phố ghi nhận hơn 1.800 ca mắc COVID-19/ngày.

Riêng từ 18 giờ ngày 25 đến 18 giờ ngày 26/12, thành phố ghi nhận 1.887 ca (tăng 8 ca so với ngày trước đó), trong đó có 794 ca tại cộng đồng, 971 ca tại khu cách ly và 122 ca tại khu phong tỏa. Dự báo số ca nhiễm tại Hà Nội có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.

Một số chuyên gia y tế phân tích, dịp cuối năm, các cơ quan đơn vị tại Hà Nội thường diễn ra các hoạt động tổng kết, hội họp. Các hoạt động ăn uống, liên hoan, sẽ khiến việc tiếp xúc giữa các cá nhân với nhau mạnh mẽ hơn là mầm mống cho việc lây nhiễm dịch bệnh.

Cùng với đó, Hà Nội là trung tâm của cả nước, lượng người từ các tỉnh thành đổ về thành phố dịp cuối năm đông hơn, cũng là nguy cơ lây nhiễm.

Vào dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều gia đình tại Hà Nội có xu hướng rời thành phố về thăm quê hoặc ngược lại sẽ kéo theo những mầm bệnh ra cộng đồng.

Nguy cơ lây mắc COVID-19 tại Hà Nội rất cao nhưng ý thức của một số người dân trong phòng, chống dịch còn kém. Nhiều người vẫn không ngần ngại tụ tập ăn uống, tổ chức lễ, đám, diễn ra nhiều nơi, không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Người dân Hà Nội cần nâng cao ý thức phòng dịch để đón Tết an toàn ảnh 2Các bạn trẻ đi chơi trong đêm Giáng sinh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhiều chuyên gia cảnh báo, cho dù đã tiêm hai mũi vaccine nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Bằng chứng cho thấy, Hà Nội hiện có 205 bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng.

Dù các bệnh nhân được cứu chữa khỏi bệnh nhưng những người mắc COVID-19 sẽ gánh chịu nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được thành phố yêu cầu cách ly y tế tại nhà hoặc tại các trạm y tế lưu động.

Thời gian cách ly khoảng từ 7 đến 14 ngày, người bệnh sẽ phải đối mặt với tâm lý lo âu, hoang mang… cùng không ít phiền toái do bị gián đoạn công việc khi phải "ở yên một chỗ."

[Hà Nội: Nỗ lực giảm thấp nhất nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19]

Thế giới đang phải tiếp tục đối mặt với một thách thức nữa từ biến chủng Omicron đang xuất hiện và lây lan siêu nhanh, gây hậu quả ở nhiều nước.

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, một số nước xung quanh đã xuất hiện biến chủng mới nên việc Việt Nam xuất hiện loại virus này chỉ là vấn đề thời gian. Vì vậy mỗi người hãy cân nhắc các hoạt động ăn nhậu, tụ tập không cần thiết để bảo vệ mình và xã hội.

Quá tải bệnh viện do bệnh nhân tăng

Qua theo dõi số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có dấu hiệu tăng lên từng ngày. Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế và các ngành chức năng liên quan xây dựng kịch bản khi trên địa bàn có 2.000 đến 3.000 ca COVID-19/ngày.

Hà Nội đã triển khai hơn 500 trạm y tế lưu động; thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà.

Dù chuẩn bị kỹ nhưng số ca mắc tăng cao đã dẫn đến tình trạng quá tải đối với nhân viên y tế tuyến xã, phường. Nhiều ca F0 chưa được tư vấn kịp thời, thậm chí bị "bỏ quên" vài ngày.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lo lắng về việc F0, F1 chậm được thăm khám, tư vấn do đội ngũ y bác sỹ bị quá tải.

Trường hợp anh H.T (Thanh Xuân) là ví dụ. Con gái anh 20 tuổi mắc COVID-19, tự cách ly và điều trị ở nhà nhưng khi chỉ số nồng độ oxy trong máu giảm có thể đe dọa đến tính mạng, anh đã gọi đến Cấp cứu 115 với mong muốn đưa con đến bệnh viện, nhưng anh H.T lại được hướng dẫn gọi đến Trạm y tế phường.

Kiên trì gọi cho Trạm y tế phường suốt 15 phút nhưng chỉ nhận được những tút tút kéo dài do không có ai nhấc máy.

Người dân Hà Nội cần nâng cao ý thức phòng dịch để đón Tết an toàn ảnh 3Bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Thông tin từ các Bệnh viện Đa khoa: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang… cho thấy đang bị quá tải, do số bệnh nhân tầng 2 nhập viện trong khoảng 1 tuần nay tăng cao.

Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được giao 50 giường bệnh điều trị cho F0 tầng 2, tuy nhiên hiện nay số ca tiếp nhận là hơn 100 bệnh nhân.

Các bác sỹ phải làm việc hết công suất, ngoài việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân của bệnh viện, đội ngũ y bác sỹ hỗ trợ trực tuyến cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân tầng 1 nên rất áp lực và mệt mỏi.

Trong thời gian qua, ở Hà Nội cũng như nhiều nơi trong cả nước, nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc hàng loạt sau một thời gian dài áp lực với công việc truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị...

Việc số ca lây nhiễm như ở Hà Nội hiện nay, sẽ khiến rất nhiều bác sỹ, y tá phải đón Giao thừa Tết Nhâm Dần 2022 trong bệnh viện để cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19.

Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch không thể khoán trắng cho đội ngũ y tế, nhất là khi công việc đang quá tải.

Do đó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương ở Hà Nội thể hiện rõ vai trò "nhạc trưởng" và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kéo giảm số ca lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 gây ra.

Mỗi người dân Thủ đô cần nâng cao ý thức vì cộng đồng - không vi phạm các quy định phòng, chống dịch, không bị lây nhiễm hay phải cách ly y tế do COVID-19 để được cùng gia đình đón năm mới đoàn viên, khỏe mạnh.

Vì chỉ một chút chủ quan, lơ là có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mỗi người hãy tận dụng khoảng thời gian ngày lễ, Tết để quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình - điều giản dị đó lại mang đến một ý nghĩa lớn lúc này, bởi gia đình khỏe mạnh, an vui mới là niềm hạnh phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục