Đồng bằng sông Cửu Long trước đây từng là một trong những "túi" trữ nước của sông Mekong mỗi khi lũ về.
Hàng năm, cứ đến mùa lũ hay mùa nước nổi thì mỗi người dân đều là ngư dân đánh bắt cá tự nhiên để sinh sống. Lũ còn mang phù sa bồi đắp làm trù phú đất đai, lúa trúng đầy đồng, cây cối tốt tươi, cuộc sống người dân sung túc.
Tuy nhiên, liên tục mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và đặc biệt là nhiều quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong xây dựng các công trình thủy điện đã ngăn dòng, chuyển dòng chảy làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn xuất hiện lũ.
Vì vậy, nhiều hệ lụy đang diễn ra làm ảnh hưởng đến đời sống người dân như cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đất đai bạc màu, thiếu nước ngọt vào mùa khô, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, tình trạng sạt lở đất xảy ra thường xuyên, chi phí sản xuất gia tăng...
Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nông dân thất nghiệp
Tại tỉnh An Giang, hết tháng 7 âm lịch mà mực nước vẫn thấp, nhiều khả năng năm nay, người dân sống bằng nghề đánh cá tự nhiên ở miền Tây sẽ không còn kế sinh nhai, phải chuyển đổi nghề hay rời quê đi tìm việc làm vì lũ không về.
Dọc theo tuyến kênh Bảy Xã đi qua 7 xã của thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang tìm về vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của Đồng bằng sông Cửu Long, nếu như mọi năm nơi này mênh mông nước, gốc rạ bị nhấn chìm, chuột bọ cũng không có chỗ để sinh sôi, thay vào đó là phù sa, tôm cá, ấy vậy mà năm nay lại khác...
Người dân sống hai bên bờ kênh Bảy Xã (dài khoảng 15km) đa số trông chờ mùa nước nổi, bởi cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào những sinh kế trong mùa nước nổi như giăng lưới, đặt lợp, thả dớn, đó, hay trồng rau nhút, hái bông súng đồng… nhưng cả tháng nay, mọi người chỉ “ngồi chơi xơi nước,” đi đến đâu cũng nghe bà con than vãn về một mùa “làm ăn thất bát.”
Ông Nguyễn Văn Tùng, trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, người sống bằng nghề đánh bắt cá mùa nước nổi trên sông Bình Di (giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Campuchia) cho biết, mực nước trên sông Bình Di năm nay rất thấp, có nơi thấp hơn mặt ruộng đến cả mét; nhiều khả năng đây là năm thứ hai liên tiếp không thể khai thác cá tự nhiên vì nước lũ không ngập đồng.
Những người chuyên làm nghề đóng đáy hoặc đặt dớn cũng “không còn mặn mà” vì lượng cá linh đầu mùa ít chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái, làm là lỗ nên họ chuyển sang nghề khác để kiếm sống.
Trên địa bàn xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nơi đón nhận lượng nước và cá đầu tiên từ thượng nguồn sông Mekong qua sông Châu Đốc để hòa vào dòng sông Hậu, những năm trước vào mùa này, cả khúc sông ở Vĩnh Hội Đông như không ngủ, người dân cứ “lao” vào lũ kiếm sống. Vậy mà năm nay, lũ vẫn chưa về.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, những bậc cao niên hay dùng từ mùa nước nổi để chỉ mùa lũ. Nói “nước nổi” là diễn tả đúng tính chất lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng vì nước không chảy mạnh như lũ hiện nay mà cứ dâng lên từ từ làm ngập tràn đồng.
Hàng chục vạn nông dân vào mùa lũ biến thành ngư dân, lũ thật sự là ngày hội của họ. Từ bao đời nay người dân Đồng Tháp đã nhìn ra cái lợi của lũ để mưu sinh trên lũ.
Do nước lũ không về trên các con sông thượng nguồn nên người nuôi cá cũng chịu ảnh hưởng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành liên công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng ở ấp Phú Hòa A, Phú Hòa B, xã Phú Thuận A và ấp Long Thới B, xã Long Thuận của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp giáp ranh với huyện Phú Tân, tỉnh An Giang là do lòng sông bị thu hẹp lại, độ sâu mực nước giảm, lưu tốc dòng chảy chậm chỉ còn 0,05 - 0,09 m/s; do lòng sông tích tụ nhiều nguồn chất thải gây nên ô nhiễm cục bộ. Thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết nhằm ngày mực thủy triều khá thấp.
Nguy cơ sụt lún, tan rã đồng bằng
Theo tiến sỹ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, nếu trong tương lai Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục không có lũ thì nguy cơ sụt lún đồng bằng là rất lớn.
Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành là nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này.
Trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn thêm ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về bồi đắp.
Nhưng giờ thì ngược lại, vì lũ ít nên lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ tợn hơn. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15m, có nơi đến 50m; hàng trăm ha rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo hiện nay lòng sông sâu hơn một cách nhanh chóng so với trước đây.
Theo tiến sỹ Tuấn, có hai nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, là việc khai thác cát sỏi quá mức ngay chính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thứ hai, lượng cát sỏi bù vào ngày càng ít đi do các nước xây đập thủy điện.
Cũng theo ông Tuấn, sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước “đói” (do thiếu phù sa) nên nó phải ăn hai bên bờ và dưới đáy sông.
Vì vậy, việc cần làm bây giờ là hành động ngay, ngăn chặn việc khai thác cát sỏi và tăng cường nhiều biện pháp chống sạt lở công trình và phi công trình giữ đất khỏi bị sạt lở bằng kè chắn, trồng cây.
Ngoài nguy cơ tan rã đồng bằng thì phù sa trong nước lũ chính là nguồn phân bón tự nhiên mà phân hóa học không thể thay thế.
Không có phù sa bồi đắp đồng nghĩa với việc chi phí dành cho sản xuất nông nghiệp sẽ cao hơn, nông sản làm ra khó xuất khẩu hơn do nông dân sẽ phải sử dụng nhiều phân bón hóa học.
Bên cạnh đó, không có phù sa thì đất đai sẽ ngày càng bạc màu kèm theo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển là rất lớn. Nếu nói riêng về đời sống dân cư thì lũ là nguồn lợi vô cùng lớn, bởi bù đắp những lớp phù sa màu mỡ, đồng ruộng được vệ sinh, lại thêm nguồn lợi thủy sản.
Không có lũ, nông dân phải chi phí sản xuất nông nghiệp tăng gấp hai, ba lần, cùng với đó là nạn sâu, rầy, chuột tàn phá mùa màng…
Tiến sỹ Dương Văn Ni cho rằng đến thời điểm hiện tại thì chưa thể khẳng định năm nay Đồng bằng sông Cửu Long không có lũ. Tuy mực nước trên các sông hiện chỉ bằng 50% so với những năm trung bình nhưng nếu trong tháng 9 có áp thấp nhiệt đới vào miền Trung kèm theo mưa dồn dập thì vẫn sẽ có lũ về.
Nếu đến cuối tháng 9 mà không có trận áp thấp nhiệt đới nào thì mới có thể khẳng định năm nay không có lũ.
Tiến sỹ Dương Văn Ni cũng khuyến cáo, trong trường hợp lũ không về thì dự báo tình hình hạn, mặn năm tới sẽ diễn ra gay gắt hơn vừa qua.
Những người dân sống dựa vào khai thác nguồn thủy sản tự nhiên trong mùa lũ sẽ phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, để giúp những cư dân này chuyển nghề thì cần phải dựa vào nhu cầu xã hội để có chiến lược phù hợp.
Giải pháp để "sống chung với không có lũ"
Theo các nhà khoa học, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới đó là phải thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để thích nghi với tình hình không có lũ.
"Người dân An Giang cũng như các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không thể mãi dựa hoàn toàn vào nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có, mà phải tổ chức lại sản xuất, gia tăng các loại hình dịch vụ phi nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp"- ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang nhận định.
Cũng theo ông Trần Anh Thư, trước yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh An Giang đang chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, từ đó cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh.
Đồng thời, tập trung 4 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu; trong đó cấu trúc lại cây lúa, con cá để thích ứng với thị trường; xây dựng trung tâm giống lúa, cá, rau màu tầm khu vực.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp người dân “sống chung với không có lũ”; khuyến khích người dân ở những vùng có điều kiện thuận lợi chủ động sản xuất ra những sản vật chỉ có được khi mùa nước lên - lũ về mới có như mô hình nuôi lươn trong bể đất, nuôi ếch, cá đồng trong bè tre nhỏ, nuôi trong vèo, nuôi chân ruộng… Hay trồng những loại cây thủy sinh trên mặt nước như sen, ấu, rau nhút, lục bình, điên điển… nhằm thu hút lao động, nhất là lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi, tạo thu nhập cho bà con ngay trên chính mảnh đất của mình.
Điều đặc biệt, các mô hình này đảm bảo có thể ứng dụng tốt trong điều kiện lũ lớn hoặc không có lũ; vừa giúp trữ nước và thoát lũ chính vụ, trả lại hành lang lũ cho dòng sông…
Còn tại thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, cho biết, ngành nông nghiệp vẫn thường xuyên khuyến cáo nông dân ngoài dựa vào khai thác nguồn lợi tự nhiên có trong mùa lũ thì cần tự chủ trong nuôi trồng thủy sản để tăng thêm thu nhập.
Thời gian qua, ngoài việc thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho nông dân, giúp những người vốn chỉ biết mưu sinh nhờ con nước có điều kiện chuyển nghề.
Bên cạnh đó, các đối tượng có giá trị kinh tế cao như lươn, ếch, cá lóc, cá rô cũng được nông dân phát triển chăn nuôi để cải thiện kinh tế. Việc cơ cấu lại cây trồng trên đất lúa, sử dụng ít nước được xem là một giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Đồng Tháp.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã ban hành Quyết định số 256 thực hiện Đề án phát triển cây hoa màu chủ lực của tỉnh giai đoạn 2011-2020 với các cây trồng chủ lực là ngô, đậu tương, vừng, ớt.
Ngoài các loại cây chủ lực trên, một số địa phương đang phát triển những hoa màu đặc thù khác như khoai lang ở Châu Thành, nấm rơm, dưa lê ở Lai Vung; sen ở Cao Lãnh, Tháp Mười, khoai môn ở Lấp Vò, kiệu ở Lấp Vò và Tam Nông...
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện Đề án phát triển cây hoa màu chủ lực theo hướng tập trung thành các vùng có quy mô lớn, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, chú ý phát triển một số loại cây trồng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu hoặc ít nước do lũ không về của từng địa địa phương.
Năm 2016, tỉnh Đồng Tháp ước tính trồng 44.000ha cây hoa màu, tăng 5.300ha so với năm 2015. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực dự án nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng lũ tại các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh với 11.400 hộ dân hưởng lợi.
Dự án sẽ chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang các hình thức sản xuất khác mang lại hiệu quả cao hơn như nuôi trữ cá thiên nhiên, khai thác cây thủy sinh, nuôi cá đồng, tôm càng xanh... đảm bảo trữ nước hợp lý khi không có lũ. Vận động người dân chuyển đổi cây trồng, quản lý điều tiết nước với từng mô hình sản xuất cụ thể, tạo đường di trú và di cư cho cá, các thủy sinh vật khác.
Với thực tế gần 100% nguồn nước mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là từ nước ngoài chảy vào, thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Điều phối Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho rằng để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thì phải tìm cách để chủ động được nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, kênh thoát lũ đồng thời dự trữ nước ngầm.
“Thậm chí, chúng ta cần phải có các nhà máy để biến nước biển thành nước ngọt để có thể hoàn toàn chủ động được nguồn nước trong tương lai”- ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kỷ Quang Vinh, mọi người thường cho rằng khử muối để biến nước biển thành nước ăn uống là tốn kém. Nhưng Singapore đã chứng minh giá thành một mét khối nước uống theo tiêu chuẩn của Singapore chỉ có khoảng 7.000 đồng. Suất đầu tư cho công suất một mét khối nước ăn uống chỉ khoảng 5.000 đồng.
Vì vậy, ông Kỳ Quang Vinh đề xuất, trong các năm thời tiết bình thường thì cần chủ động trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô. Bên cạnh đó, Nhà nước cần cấm ngay việc khai thác và sử dụng nước ngầm tràn lan như hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu bơm nước trở lại lòng đất để phục hồi mực nước ngầm, chống sụp lún đất.
Theo các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long cần có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cần tạo vùng trữ lũ dọc các sông, kênh chính và các vùng bảo tồn. Ở các khu vực này không bố trí dân cư sinh sống mà tận dụng làm khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan và phát triển du lịch.
Ngoài ra, mô hình đô thị xanh với nhiều ưu điểm được thực hiện ở các nước trên thế giới cũng cần được nghiên cứu, áp dụng tại đây./.