Người dân ĐBSCL giàu lên nhờ đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Tháng 12/2013, Đại Thành trở thành xã nông thôn mới đầu tiên không chỉ của Hậu Giang mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thì đến cuối năm 2014, toàn xã đã có 18 hộ dân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Vườn hoa của một hộ nông dân Bến Tre. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo làng quê sông nước.

Tính đến hết năm 2014, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có khoảng 400 xã đạt chuẩn quốc gia về xã nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm trở lên. Nhiều làng quê giờ đã đổi thay nhờ chương trình mục tiêu quốc gia này.

Những xã nông thôn mới

Về ấp Thuận Hòa (xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) thấy bà con được “vi vu” trên những con đường liên xóm bằng bêtông mở rộng mới được hoàn thành trước Tết Ất Mùi vừa qua, chúng tôi cũng thấy vui lây. Những con đường được thực hiện với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm.”

Anh Nguyễn Văn Quý cho biết: "Khi nghe Nhà nước có chủ trương mở rộng và hiện đại hóa các tuyến đường vào xóm thì người dân chúng tôi đều rất mừng. Chỉ cần trên xã “ngỏ lời” là chúng tôi bắt tay vào làm ngay."

Để “hiện thực hóa” con đường vào xóm dài khoảng 500m, chiều rộng từ 1m thành 2m, cả xóm đã thành lập một tổ, gồm các hộ có uy tín trong xóm để vận động bà con đóng góp.

Hộ nào có đất nằm ven đường thì hiến đất mở đường, hộ nào không có đất thì góp tiền làm đường. Chỉ sau một tháng triển khai, cả tổ đã thu được trên 50 triệu đồng tiền mặt và các hộ dân góp đất… giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh.

Sau khi cán bộ xã xuống kiểm tra hiện trạng mặt bằng và nhận tiền, con đường đã được triển khai đổ bêtông ngay. Nhờ con đường được mở rộng, nhiều người dân đã xây nhà mới khang trang hơn và bộ mặt của xóm cũng đã thay đổi hẳn.

Không chỉ ở ấp Thuận Hòa, mà hầu hết những xã triển khai xây dựng nông thôn mới đều có được niềm vui tương tự.

Về xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) mới thấy sự thay đổi đến bất ngờ. Trước đây, đường vào xã hiếm có đường cho xe máy, xe ôtô chạy bởi đường giao thông không có, nếu có thì lại vướng… cầu khỉ. Thế nhưng nay những trục đường liên ấp, liên xã bằng bêtông hoặc trải nhựa phẳng lỳ, cầu khỉ nhường chỗ cho cầu bêtông, nhà tường san sát…

Nếu như từ tháng 12/2013, Đại Thành trở thành xã nông thôn mới đầu tiên không chỉ của Hậu Giang mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thì đến cuối năm 2014 toàn xã đã có 18 hộ dân thu nhập mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên, trên 100 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ, còn thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên khá nhiều.

Để người dân Đại Thành làm được điều này, chính quyền địa phương đã sát cánh cùng nhân dân trong xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, khuyến khích người dân làm giàu bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong việc sản xuất cho người dân.

“Đầu tư vào xây dựng nông thôn mới là đầu tư cho người dân và người dân là người trực tiếp hưởng lợi nên khi có chủ trương thì mọi người đều tích cực hưởng ứng. Tôi thấy chủ trương này đi đúng vào đời sống của người dân,” anh Phan Văn Hùng ở xã Đại Thành nhận xét.

Phải biết huy động sức dân

Theo Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh Long An, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2014 tỉnh Long An huy động hơn 16.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 38% tổng nguồn vốn.

Hiện nay, tỉnh Long An có tám xã đạt tiêu chí nông thôn mới góp phần tăng thu nhập, thay đổi bộ mặt nông thôn. Hiện thu nhập của người dân các xã nông thôn mới đạt từ 31-41 triệu đồng/người/năm, tăng lên so với mức 20-25 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2013.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, cho biết năm 2015 tỉnh Long An sẽ huy động hơn 4.600 tỷ đồng tập trung xây dựng nông thôn mới, trong đó huy động nhân dân và doanh nghiệp đóng 3.000 tỷ đồng, chiếm hơn 52%, để hoàn thành chỉ tiêu 28 xã nông thôn mới vào cuối năm 2015.

Theo ông Truyền, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh được vận dụng lấy sức dân là chính và thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không ép buộc; dân tự làm chủ, tự đứng ra xây dựng và tự giám sát quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát.

Vốn huy động năm 2015 sẽ tập trung xây dựng nhà ở dân cư, xóa nhà tranh vách lá, xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, chợ nông thôn và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Là địa phương được trung ương chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) huy động các nguồn lực, mà nổi bật là việc khơi dậy sức dân để cùng thực hiện và tạo được đồng thuận của cả cộng đồng.

Phong trào người dân hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng đã lan tỏa rộng khắp, với hơn 460.000m2 đất được hiến tặng có trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa ấp, trạm cấp nước sạch tập trung, trạm y tế và trường học theo tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài ra, người dân còn đóng góp hơn 20 tỷ đồng và tham gia hàng nghìn ngày công lao động để làm đường bêtông liên ấp. Không chỉ hiến đất, người dân ở huyện Phước Long còn góp sức, góp tiền để cùng chính quyền làm đường, xây cầu nông thôn theo nội dung vận động.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu, với sự đầu tư xây dựng nông thôn mới, chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển đáng kể theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục