Người dẫn chương trình nổi tiếng của Anh, Dave Lee Travis đã khẳng định sự trong sạch của mình sau khi bị bắt vì những cáo buộc có liên quan đến những vụ quấy rối tình dục. Travis khẳng định: "Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi không làm gì những đứa trẻ cả. Với tôi, trẻ em là điều tuyệt vời nhất trên thế giới này và tôi không muốn tên mình xuất hiện cùng với những rắc rối đáng tởm đó. Điều thứ hai tôi muốn nói là vâng, tôi đã bị cảnh sát thẩm vấn song tôi đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc nhằm vào mình." Ông Lee Travis, người từng có cuộc gặp với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi của Myanmar cách đây vài tháng, đã bị bắt giữ hôm thứ Năm vừa qua như một phần trong cuộc điều tra của cảnh sát trước những cáo buộc lạm dụng tình dục của cố đồng nghiệp Jimmy Savile. Hiện chưa có bất cứ cáo buộc nào về tội lạm dụng trẻ em được đưa ra chống lại Travis, song thời gian gần đây thì đã có 2 phụ nữ cáo buộc ông này từng "quấy rối" họ những năm 1970. Tuy nhiên, Travis đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc này. Trước đó, công ty truyền thông Bauer Media, nơi Travis làm việc, cho biết ông này đã tạm ngừng công việc dẫn chương trình vì cuộc điều tra của cảnh sát. Travis, có tên gọi khác là Hairy Cornflake, từng làm việc với Savile ở Đài phát thanh số 1 của BBC trong những thập niên 1970 và 1980. Ông là một trong những gương mặt quen thuộc của BBC. Ngoài ra, ông cũng đảm nhận chương trình ca nhạc theo yêu cầu trên the BBC World Service, vốn được bà which Aung San Suu Kyi ca ngợi là món ăn tinh thần giúp bà vượt qua những khó khăn trong hơn hai thập niên bị quản thúc tại nhà. Travis là một trong bốn người bị cảnh sát bắt những tuần qua nhằm phục vụ công tác điều tra những cáo buộc nhằm vào Savile, người đã qua đời hồi năm ngoái. Trong một diễn biến khác, tối ngày 15/11, BBC đã thông báo sẽ bồi thường 185.000 bảng Anh (gần 300.000 USD) cho chính trị gia thuộc đảng Bảo thủ Alistair McAlpine, người bị tố cáo sai là đã xâm hại tình dục trẻ em trong một phóng sự điều tra phát sóng trong chương trình Newsnight của BBC.
BBC thừa nhận đã có “những thiếu sót không thể chấp nhận” khi phát sóng phóng sự điều tra này, bởi “nhiều biện pháp xác minh cơ bản trong nghiệp vụ làm báo đã không được thực hiện”. BBC sẽ có biện pháp kỷ luật thích đáng đối với các phóng viên, biên tập viên đã có sai phạm về mặt nghiệp vụ khi phát sóng phóng sự này. Trước đó, do liên quan đến bê bối này mà, tổng giám đốc BBC George Entwistle đã phải từ chức ngày 10/11 cùng với một số lãnh đạo cấp cao khác, đẩy tổ hợp truyền thông lớn nhất thế giới vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo nghiêm trọng./.
Trà My (Vietnam+)