Người dân chịu cảnh mía héo úa, lúa mọc mầm vì lũ

Gần 1 tháng nay, toàn bộ diện tích mía của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã bị nước lũ làm ngập sâu từ 1 đến 5 tấc nước.
Tại Hậu Giang, do thiếu hệ thống đê bao, gần 6.000ha mía đến kỳ thu hoạch đã bị ngập lũ. Gần 1 tháng nay, toàn bộ diện tích mía của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã bị nước lũ làm ngập sâu từ 1 đến 5 tấc nước.

Mặc dù 2 nhà máy đường của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã chạy vượt công suất thiết kế nhưng vẫn không thể tiêu thụ hết mía. Nhiều diện tích mía khô lá dần và bắt đầu héo khô.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch huyện Phụng Hiệp cho biết hiện toàn huyện còn gần 6.000ha mía đang trong tình trạng ngập lũ, trong đó có khoảng 3.000ha trong tình trạng ngập sâu có thể chết trong vài ngày tới. Trong khi trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 nhà máy đường, mỗi ngày chỉ tiêu thụ được khoảng từ 120 đến 150ha, nếu không có các nhà máy đường trong khu vực tiếp viện thì không thể tiêu thụ hết mía trong vòng 1 tháng nữa.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng Giám đốc Casuco cho biết nguyên nhân các nhà máy đường trong khu vực chưa mặn mà và tích cực thu mua mía của nông dân huyện Phụng Hiệp là hiện nay giá đường đang ở mức thấp, cộng với chi phí cao do vận chuyển xa và với giá thu mua mía hiện tại thì những nhà máy đường ở xa sẽ khó thu được lợi nhuận.

Điều đáng nói ở đây là nông dân trồng mía huyện Phụng Hiệp năm nào cũng bị lũ làm thiệt hại do đây là khu vực trũng, thấp. Công tác làm đê bao chống lũ để nông dân có thể chủ động sản xuất và có thể thu hoạch mía rải vụ theo yêu cầu của các nhà máy đường đã được nhắc đến từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, đến nay hơn 8.800ha mía của huyện Phụng Hiệp vẫn chưa được ngành nông nghiệp đầu tư hệ thống đê bao hoàn chỉnh. Tình hình trên sẽ làm cho nông dân Phụng Hiệp khó gắn bó với cây mía trong thời gian tới.

Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, do mưa nhiều nên rất thuận lợi để dịch hại phát sinh, làm thiệt hại cho các loại cây trồng. Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 2.800ha lúa mùa bị nhiễm bệnh. Trong đó, diện tích lúa mùa bị nhiễm bệnh bạc lá là 285ha, tăng 107ha so với tháng trước và tăng 260ha so với cùng kỳ năm trước; trên 800ha lúa mùa bị nhiễm rầy nâu, tăng hơn 100ha so với đầu tuần trước.

Ngoài cây lúa thì hiện nay, diện tích bắp, tiêu, cao su, sầu riêng, cây có múi… trên toàn tỉnh Đồng Nai bị nhiễm bệnh cũng đang tăng lên, làm cây rụng lá, nấm hồng ở cao su; chảy mủ, loét loại có múi; cháy lá vi khuẩn và đốm lá ở bắp.

Những trận mưa lũ kéo dài liên tiếp trong hơn một tháng qua đã khiến hàng ngàn tấn lúa của nông dân Quảng Trị không phơi được, bị mọc mầm, thối không thể sử dụng được. Từ khi cơn bão số 4 ảnh hưởng tới các tỉnh miền Trung gây mưa vào tháng 9, tỉnh Quảng Trị đã huy động tổng lực tham gia thu hoạch lúa hè thu với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng."

Ngoài Hải Lăng là huyện duy nhất thu hoạch xong trước mưa, còn lại trên 15.000ha lúa hè thu ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong... bắt đầu được thu hoạch. Do mưa liên tục, toàn bộ lúa thu hoạch về không thể phơi được, giờ đã mọc mầm trắng, dài cả ngón tay, thậm chí lên mầm xanh.

Vụ hè thu này tỉnh Quảng Trị gieo cấy 24.000ha lúa. Ngoài huyện Hải Lăng thu hoạch xong lúa trước đợt mưa kéo dài này, thì các huyện, thị xã, thành phố còn lại đều thu hoạch trong đợt mưa. Hầu hết lúa thu hoạch về không thể phơi được nên đã lên men, mọc mầm, ước cả chục nghìn tấn. Riêng hai huyện Triệu Phong và Vĩnh Linh thống kê đầu tháng 10, con số này đã lên tới gần 7.000 tấn.

Mặc dù nhiều người dân đã đầu tư hệ thống máy sấy lúa và đã có một số nhà máy nhận xấy lúa cho nông dân; một số địa phương hỗ trợ tiền sấy lúa cho nông dân, nhưng với số lượng lúa bị ướt lớn và các nhà máy sấy lúa đều có công suất thấp nên cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ so với lượng lúa đang bị mọc mầm của toàn tỉnh. Nông dân tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt với thiếu lương thực và lúa giống cho những vụ sản xuất kế tiếp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục lên.

Chiều 20/10, mực nước trên sông Kôn và sông Kỳ Lộ có khả năng đạt đỉnh, tại Thạch Hòa ở mức 7,35m, trên báo động 2 là 0,35m; tại Hà Bằng ở mức 9,0m, trên báo động 2 là 0,5m.

Đến tối nay (20/10), mực nước trên Sông Ba tại Củng Sơn có khả năng ở mức 32,0m, ở mức báo động 2, tại Phú Lâm ở mức 2,2m, trên báo động 1 là 0,5m; sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 9,5m, ở mức báo động 2, sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 5,0m, trên báo động 2 là 0,2m; các sông ở Ninh Thuận ở mức báo động 1 - báo động 2, có nơi trên báo động 2. Người dân cần đề phòng sạt lở đất vùng núi và ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục