Ngày 5/2 (tức ngày 27 tháng Chạp), ngày làm việc cuối cùng của người lao động để chuẩn bị bước vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 kéo dài 9 ngày, nhiều tuyến đường bị ùn ứ, phương tiện nhích từng bước.
Lượng người tăng đột biến ở các tuyến đường cửa ngõ thủ đô, bến xe về quê ăn Tết đã khiến giao thông ở những khu vực này ùn tắc khá nghiêm trọng.
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, từ chiều ngày 5/2, tại nhiều tuyến đường đổ ra khu vực bến xe, lượng xe máy tăng đột ngột so với ngày thường khiến dòng người phải di chuyển khá khó khăn như: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Hàng Đậu, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch,...
Ở các bến xe phía Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, từ thời điểm 15 giờ, lượng người đổ về đây bắt đầu đông đúc, gây ùn tắc tại các khu vực ngoài bến.
Trong ngày hôm nay, các tuyến xe đông khách nhất là các tuyến đi về các tỉnh phía Bắc và miền Trung như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ...
Theo đại diện lãnh đạo các bến xe, phương tiện đều được chuẩn bị nhằm chuyên chở, giải tỏa hành khách không chỉ những ngày cao điểm (27 và 28 tháng Chạp) mà còn tới tận đêm Giao thừa.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, hiện các tuyến bắt đầu đông khách như (Hà Nội đi Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa). Lượng khách tăng 20% so với ngày cuối tuần, số ghế lấp đầy khoảng 80%. Lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường (120-180 lượt xe) vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
Để đảm bảo an toàn và thuận tiện cũng như tình trạng lợi dụng tăng giá vé, ông Thành cũng khuyến cáo hành khách nên vào bến mua vé để không bị “hét” giá.
“Bến xe sẽ không để xảy ra hiện tượng lên xe không có vé, lấy tiền cao hơn giá vé quy định, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, xảy ra trong sân và ngoài quảng trường trong các ngày này. Nghiêm cấm việc ép khách, ép giá, tham gia dắt khách. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm,” ông Thành khẳng định.
Đại diện bến xe Mỹ Đình cho biết, trong ngày hôm hay và trưa mai, lượng khách sẽ dồn nhiều tới đây để đón xe về quê ăn Tết. Tuy nhiên, do số học sinh sinh viên được nghỉ sớm về quê trước đó nên lượng khách dù có đông nhưng rải đều ra trong các ngày vừa qua nên không gây ùn ứ cục bộ.
Tuy vậy, phía bên ngoài bến, xe khách chạy “rùa bò”, “chèo kéo” khách dọc các tuyến Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Giải Phóng vẫn còn tái diễn. Lý do bởi, nhiều hành khách đứng dọc tuyến đường vẫy xe để nhanh chân về nhà.
Đề cập đến biện pháp xử lý các nhà xe này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Tổng cục đường bộ Việt Nam đang phối hợp để chuyển dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe khách cho các Sở để phát hiện các xe đi “rùa bò”, dừng đỗ trái phép quanh khu vực bến xe.
“Công tác trích xuất số liệu về phương tiện dừng đỗ chỉ hiển thị với các trường hợp có thời gỉan dừng đỗ từ 15 phút trở lên. Tuy nhiên, các hành vi dừng đỗ sai quy định bắt khách dọc đường chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn, 1 đến 2 phút thậm chí nhỏ hơn. Vì vậy, để đôn đốc, nhắc nhở, xử lý đối với các hành vi dừng đỗ sai quy định, Sở đề nghị Tổng cục Đường bộ cung cấp thông tin về các thời điểm phương tiện có vận tốc bằng không (V=0),” ông Linh khẳng định./.
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các Sở Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong trao đổi thông tin về mức giá của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để phối hợp kiểm tra, rà soát thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến.
“Trường hợp đối với các đơn vị có quy mô hoạt động, chất lượng dịch vụ tương đồng trên cùng một tuyến cố định có mức giá cước khác nhau, đề nghị địa phương nơi nhận văn bản kê khai với mức giá cao hơn rà soát, yêu cầu đơn vị vận tải phải kê khai giảm giá cho phù hợp với mức giá kê khai tại đầu tuyến đối lưu (có mức giá thấp hơn),” văn bản Bộ Tài chính cho hay
Những hình ảnh tại bến xe Giáp Bát chiều 5/2: