Người dân châu Âu trước nhu cầu bức thiết về ''hộ chiếu vaccine''

"Hộ chiếu vaccine" được coi là một công cụ tiềm năng cho phép người dân di chuyển tự do trong lãnh thổ của EU và Ủy ban châu Âu đã đề xuất thiết lập tài liệu mang tên "chứng chỉ xanh kỹ thuật số."
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bệnh viện ở Essen, Đức ngày 18/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại bệnh viện ở Essen, Đức ngày 18/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhu cầu về "hộ chiếu vaccine" cho phép công dân châu Âu đi lại trong lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên bức thiết.

Do đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thiết lập một tài liệu mang tên "chứng chỉ xanh kỹ thuật số," đưa ra cách tiếp cận thống nhất trên cấp độ châu Âu.

Trên thực tế, Ủy ban châu Âu đã nhắm đến việc tạo ra một "hộ chiếu vaccine điện tử" ở cấp độ châu Âu vào năm 2019, song sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tình hình.

Đại dịch đã làm tê liệt toàn EU, khiến các quốc gia thành viên buộc phải thiết lập các hạn chế về di chuyển tự do của người dân.

Vấn đề "hộ chiếu vaccine" đang trở thành một vấn đề bức thiết vì đây được coi là một công cụ tiềm năng cho phép người dân di chuyển tự do trong lãnh thổ của EU.

Nếu cuối năm 2020, EU cho rằng trước tiên cần phải tập trung vào chiến lược tiêm chủng trước khi đặt câu hỏi về những tác động lên việc di chuyển tự do, thì đến giữa tháng Một năm nay, Ủy ban châu Âu đã phải thừa nhận và ủng hộ "bằng chứng tiêu chuẩn của việc tiêm chủng."

Quan điểm này được Hội đồng châu Âu ủng hộ trong Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai, trong đó lãnh đạo 27 nước EU giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu thiết lập một đề xuất pháp lý.

Đề xuất này đã được công bố vào ngày 17/3, liên quan đến việc tạo ra một "chứng chỉ xanh kỹ thuật số" ở cấp độ châu Âu.

Người dân châu Âu trước nhu cầu bức thiết về ''hộ chiếu vaccine'' ảnh 1Người dân tới điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Cannes, Pháp ngày 9/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ủy ban châu Âu ưu tiên việc gọi là "chứng chỉ xanh" hơn là "hộ chiếu vaccine."

Đằng sau sắc thái ngữ nghĩa này, có hai vấn đề chính: chứng chỉ này không phải là tài liệu thiết yếu để có thể đi lại trong lãnh thổ của EU - do đó nó không phải là hộ chiếu - và nó còn bao gồm các thông tin khác chứng minh sự miễn dịch của du khách ngoài việc được tiêm phòng, như xét nghiệm PCR và xét nghiệm huyết thanh.

Cụ thể, chứng chỉ xanh kỹ thuật số này cho phép công dân châu Âu và công dân nước thứ 3 sống trên lãnh thổ của EU có thể chứng nhận sự miễn dịch theo 3 cách khác nhau: được chủng ngừa, có kết quả âm tính bằng xét nghiệm PCR hoặc bằng xét nghiệm huyết thanh.

Hệ thống này cũng sẽ được mở rộng sang Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Cần lưu ý các nước thành viên sẽ được phép cấp "chứng chỉ xanh" cho cả những người đã tiêm loại vaccine chưa được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và Ủy ban châu Âu (EC) cho phép.

[COVID-19: WHO lên tiếng về việc sử dụng 'hộ chiếu vaccine điện tử']

Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ sẽ do các quốc gia thành viên quyết định, với các mức trần nhất định được xác định ở cấp độ châu Âu (chứng chỉ huyết thanh học không được sử dụng quá 6 tháng).

Ủy ban quy định rõ chứng chỉ phải "tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tự do di chuyển.

"Chứng chỉ xanh" có sẵn ở dạng kỹ thuật số và được xác thực bằng mã QR để tránh gian lận và sự phát triển của thị trường chợ đen.

Mỗi cơ sở cấp phiếu kết quả xét nghiệm, tiêm chủng đều có chữ ký số riêng. Những dữ liệu được xác thực này sau đó sẽ được mỗi nước thành viên biên soạn và bảo vệ.

Về phần mình, EC sẽ tạo ra một cổng thông tin tập trung liên kết tất cả các cơ quan quản lý có liên quan của các quốc gia thành viên, các trung tâm tiêm chủng đến cơ quan hải quan. Dữ liệu xuất hiện trên "chứng chỉ xanh" sẽ được viết bằng ngôn ngữ của quốc gia thành viên cấp nó cũng như bằng tiếng Anh.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, "chứng chỉ xanh" này có thể có hiệu lực "vào mùa Hè."

Từ quan điểm y tế, hiện vẫn còn 2 vấn đề chưa được ngã ngũ. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác mức độ những người được tiêm chủng có thể truyền virus hay không, cũng như không thể xác định chắc chắn thời gian miễn dịch được đảm bảo bởi 4 loại vaccine được cấp phép ở châu Âu (Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Janssen).

WHO đã cảnh báo 2 lần về điểm này vào tháng Tư và và tháng Bảy năm 2020, khẳng định rằng "hộ chiếu vaccine" không thể nào được coi là hộ chiếu miễn dịch theo kiến thức khoa học hiện nay.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học của Israel được công bố vào ngày 8/2 chỉ ra rằng tải lượng virus của những người được tiêm chủng trong 2 tuần đã giảm 75%.

Ngay cả trong mỗi quốc gia thành viên, sự phân biệt giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng cũng có thể dẫn đến các hình thức phân biệt đối xử, bằng cách cho phép những người đã được tiêm ngừa đến nhà hàng và rạp chiếu phim, vốn bị cấm đối với những người không được tiêm chủng.

"Hộ chiếu vaccine" cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề bảo vệ dữ liệu.

Tháng 6/2020, người giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu Wojciech Wiewiórowski nhấn mạnh rằng việc cấu thành một hồ sơ dữ liệu như vậy có nguy cơ cao vi phạm các quyền cơ bản của người dân châu Âu và dẫn đến ý tưởng về một hình thức hộ chiếu vaccine "cực đoan."

Về phần mình, EC đảm bảo chỉ những dữ liệu y tế thiết yếu mới phải công khai cho mục đích tự do di chuyển, trong khi các thông tin khác sẽ phải được các quốc gia thành viên lưu giữ cẩn thận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục