Vụ cháu bé rơi từ tầng 12A: Rà soát không gian sống để bảo đảm an toàn

Người dân cần rà soát không gian sống để đảm bảo an toàn cho trẻ

Việc sử dụng ban công, lô gia tại chung cư, nhất là ở những gia đình có con nhỏ... cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra.
Hiện trường nơi xảy ra vụ bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong những năm gần đây, cùng với sức ép “căng phồng” về dân số, tốc độ phát triển đô thị ở các thành phố lớn, nhất là khu vực nội thành diễn ra nhanh chóng đã khiến nhu cầu về nhà ở chung cư ngày càng cao. Tuy nhiên, kỹ năng ở nhà chung cư của nhiều người vẫn chưa thực sự được chú ý.

Mặc dù đã có rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra, báo chí đã nhiều lần cảnh báo, nhưng sau tất cả “đâu lại vào đấy.” Dường như nhiều người dân vẫn chủ quan không thực hiện các biện pháp an toàn, che chắn trước cửa sổ, lô gia ban công - nơi được coi là “tử huyệt” của nhà chung cư. 

Có quy định chặt chẽ cho "tử huyệt" của chung cư

Vụ việc bé gái 3 tuổi treo mình lơ lửng ở ban công căn hộ tầng 12A, tòa nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) xảy ra vào chiều tối 28/2 một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo cho thấy người dân cần nắm vững kỹ năng khi ở nhà chung cư.

Trong vụ việc này, như một phép màu, bé gái sinh năm 2018 đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) làm nghề chở hàng-khi nghe tiếng khóc, tiếng tri hô của người dân đã nhanh chân leo lên mái tôn ngay dưới vị trí bé gái treo mình và kịp đỡ được khi bé tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu và rất may không nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đó, chiều 27/5/2017, một bé trai 5 tuổi cũng bất ngờ rơi từ tầng 17 của một chung cư ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Thế nhưng, bé  đã tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn, bé trai ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17 đã leo lên ghế rồi trèo qua cửa sổ lan can...

Không lâu sau, vào ngày 6/7/2018, một bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 7 của một chung cư tại thành phố xuống đất trong tình trạng đa chấn thương. Bé gái ở nhà cùng mẹ nhưng ra ban công chơi và trèo qua lan can rơi xuống đất.

Cũng trong năm 2018, một bé trai 5 tuổi cũng rơi từ tầng 7 của một chung cư ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Thời điểm ấy, khi đang chơi ngoài ban công, bé trai trèo qua lan can rồi rơi xuống.

Trong năm 2019, một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công đã rơi từ tầng 3, tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) xuống đất và bất tỉnh. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng do vết thương quá nặng, bé đã tử vong trước khi nhập viện...

Trong vụ việc ngày hôm qua (28/2), rất nhiều tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ trên trang cá nhân clip bé gái 3 tuổi treo mình lơ lửng ở ban công rồi rơi xuống. Đi kèm với đó là những lời “cảnh báo” với mục đích thông tin đến người thân, bạn bè cần cẩn trọng, sát sao hơn khi trông trẻ nhỏ, nhất là những gia đình sinh sống ở căn hộ chung cư.

[Hà Nội: Bé gái rơi từ tầng 12A chung cư bị trật khớp háng bên phải]

Chị Nguyễn Thị Huyền, một cư dân tại Hà Nội cho biết đã hơn 10 năm sống ở nhà chung cư và mỗi lần dọn đến căn hộ mới đều chú trọng đến cửa sổ, lô gia ban công vì những vị trí đó đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là với trẻ nhỏ chưa nhận thức được mối nguy hiểm...

Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý ngành, đại diện Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2008 đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng-an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, “giếng trời” và các lỗ mở (các cửa sổ) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Người dân rào thêm khung sắt khu vực ban công tại căn hộ chung cư để đảm bảo an toàn. (Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Các yêu cầu kỹ thuật về ban công chung cư cũng đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam và đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy.

Tuy nhiên, việc sử dụng ban công, lô gia - nhất là ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Thiếu kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) bày tỏ đau xót khi thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc tại nạn thương tâm rơi từ ban công xuống tương tự nhưng các bậc phụ huynh chủ quan, chưa quan tâm tới việc rào chắn để đảm bảo an toàn cho trẻ.

“Hiện nay, thị trường có bán rất nhiều thiết bị tấm lưới ngăn, dây thép… phòng chống gây ngã cho trẻ em với giá phải chăng... thế nhưng, có rất nhiều các vụ rơi ngã từ các gia đình ở tầng cao cho thấy vẫn còn các bậc phụ huynh vẫn chưa rút ra bài học,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Theo ông Nam, Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phải rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em ở các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng để phòng ngừa tai nạn trẻ em, đặc biệt là gây ngã. Do đó, khi vụ việc xảy ra có thể làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, do thiết kế thi công không an toàn hay do cha mẹ xao nhãng.

[Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sống ở nhà cao tầng]

Rút kinh nghiệm từ những vụ việc trẻ nhỏ bò ra ban công, trèo ra khỏi ban công rơi từ tâng cao xuống rất thương tâm, ông Đặng Hoa Nam kêu gọi các bậc phụ huynh phải rà soát toàn bộ không gian sống, phòng ngừa và lường trước các nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ.

Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn cho bệnh nhi rơi từ ban công căn hộ tầng 12A, tòa nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em để phòng ngừa đuối nước, rơi ngã, ngộ độc thực phẩm. Các tiêu chí này đảm bảo ngôi nhà an toàn cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, dưới 5 tuổi, đặc biệt là giai đoạn trẻ em biết bò, chập chững biết cần rà soát lại toàn bộ ngôi nhà, củng cố rào chắn, sắp xếp các thiết bị trong nhà cho hợp lý để tránh tất cả các tai nạn có thể xảy ra với trẻ em từ bị vật nhọn đâm, vơ hóa chất, thuốc cho vào mồm, rơi ngã từ tầng cao…

Ông Đặng Hoa Nam cảnh báo các bậc cha mẹ phải chăm sóc trẻ toàn diện, phòng ngừa tối đa nguy cơ gây thương tích, tổn hại cho trẻ. Thời gian gần đây, các bậc phụ huynh Việt Nam quan tâm chăm lo nhiều hơn dinh dưỡng, học hành nhưng ít chưa nghĩ đến việc đảm bảo an toàn về thân thể, tính mạng do tai nạn thương tích gây ra.

Theo ông, kỹ năng làm cha mẹ không chỉ là chăm sóc trẻ về mặt dinh dưỡng cho trẻ đi học, trưởng thành về mặt trí tuệ. Do đó cần phải tăng cường truyền thông, kiến thức cho các bậc phụ huynh trong phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục