Người dân cần hiểu thế nào cho đúng về các bản tin cảnh báo bão, lũ?

Do mỗi bản tin cảnh báo mưa dông và nguy cơ ngập úng đô thị chỉ có hiệu lực ngắn hạn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia khuyến cáo người dân và các đơn vị sử dụng bản tin đúng cách.
Bản tin Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội, phát hành rạng sáng ngày 10/9 được lan truyền

Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết trước tình hình bão, lũ diễn biến hết sức phức tạp, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng theo dõi sát sao các thông báo, cảnh báo của các cơ quan chức năng để có cách ứng xử phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Liên quan đến bản tin Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội, phát hành lúc 2 giờ 30 phút rạng sáng 10/9 do Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đăng tải trên cổng thông tin, ông Mai Văn Khiêm giải thích: Mỗi bản tin cảnh báo mưa dông đô thị chỉ có hiệu lực từ 2-3 tiếng sau khi phát hành; vì vậy việc chia sẻ thông tin sau thời gian này là không phù hợp.

Cụ thể bản tin nêu về hiện trạng mưa trong khu vực Hà Nội, cảnh báo các đặc trưng ngập lụt, cấp độ rủi ro thiên tai và cảnh báo tác động ngập lụt. Đáng chú ý trong đó là thống kê các đường, phố thuộc các quận nội thành có nguy cơ úng ngập nếu có mưa cục bộ.

“Mưa dông tần suất lớn hay gây ra ngập úng đô thị. Tuy nhiên hiện tượng ngập úng sẽ rút rất nhanh, sau khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ sau khi mưa kết thúc,” ông Mai Văn Khiêm nói.

Ông cho biết thêm theo số liệu dự báo hiện nay, nguy cơ ngập úng đô thị có thể vẫn sẽ xuất hiện trong trường hợp sau mưa dông, mưa lớn cục bộ.

Sau bão số 3 (bão Yagi), diễn biến thời tiết tại miền Bắc còn phức tạp. Dự báo vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa chiều tối 10-11/9 có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa từ 50-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Đêm 11/9 đến 12/9 có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục