Bắc bộ và Trung bộ bắt đầu bước vào giai đoạn mùa nắng nóng đầu tiên năm 2024. Trong thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ môi trường ở mức cao nên kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát, làm lạnh và phục vụ việc sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cũng tăng cao. Điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn trong thói quen sinh hoạt
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ vào cùng kỳ năm 2023, khi bắt đầu bước vào mùa nắng nóng toàn quốc đã xảy ra 117 vụ cháy. Các vụ cháy đã điều tra làm rõ nguyên nhân 46/117 vụ trong đó số vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 32 vụ (chiếm 69,5 %); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 08 vụ (chiếm 17,39%).
Thành phố Hồ Chí Minh: Cháy lớn ở dãy nhà ven kênh Tàu Hủ, Quận 8
Ngọn lửa sau đó bùng lên dữ dội và lan nhanh sang 4-5 căn nhà gỗ, lợp mái tôn nằm sát cạnh nhau, cột khói cao bốc lên nghi ngút khiến cả khu dân cư hoảng loạn tháo chạy.
Gần đây nhất là vụ cháy lớn xảy ra vào khoảng 19 giờ 40 ngày 1/4, tại căn nhà gỗ nằm ven kênh Tàu Hủ, trên đường Phạm Thế Hiển, phường 2, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này có rất nhiều nhà, kho tạm để sửa chữa và bày bán đồ gỗ cũ. Ngọn lửa sau đó bùng lên dữ dội và lan nhanh sang 4-5 căn nhà gỗ, lợp mái tôn nằm sát cạnh nhau, cột khói cao bốc lên nghi ngút khiến cả khu dân cư hoảng loạn tháo chạy.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: ‘Sự bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện của người dân có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện xảy ra và sự bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình đun nấu, thắp hương, thờ cúng khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao.’
Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Anh Nguyễn Viết Huy sống tại Khu đô thị Nghĩa Đô (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết vào ngày cuối tuần vừa qua, trong khi đang ngủ trưa thì bỗng dưng mất điện và ngửi thấy mùi khét, mạng lưới điện nhà anh quá tải vì cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện như tủ lạnh, 3 chiếc điều hòa và ấm siêu tốc. “Thật may mắn khi sự việc xảy ra vào ban ngày và chưa xảy ra cháy lớn, lúc đó dây nguồn cắm ấm siêu tốc của nhà tôi bị chập và ổ điện bằng nhựa đã nóng chảy,’- anh Huy nói.
Vị đại diện Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết thêm một số thói quen trong cuộc sống thường nhật có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ. Đơn cử như việc dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tuỳ tiện hay đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy.
Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng các vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp để ốp tường, trần, vách ngăn là nguy cơ rất lớn dẫn đến việc cháy lan nếu có hỏa hoạn xảy ra.
Người dân cần chủ động và cảnh giác
Theo cơ quan chức năng, để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời, người dân nên sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Hà Nội đang bước vào mùa nắng nóng, Công an thành phố Hà Nội đưa ra một số khuyến cáo tới người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình và người dân cần thực hiện tốt để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong thời tiết nắng nóng năm 2024.
Theo đó, mỗi người dân cần cảnh giác với nguồn lửa và nguồn nhiệt. Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.
Bên cạnh đó việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Người dân không nên dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện, không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tuỳ tiện, không đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện... qua đêm, khi không có người ở nhà (đặc biệt trong những ngày đi du lịch, nghỉ mát...).
Ngoài ra, các chất dễ cháy, như: mút xốp, giấy, bông, vải, sợi... và các đồ đạc, vật dụng dễ cháy khác phải đặt xa các thiết bị điện (khoảng cách tối thiểu 0,5m). Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và phòng cháy chữa cháy.
Thêm vào đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
Các hộ gia đình không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trong trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Người dân hãy chủ động bằng việc chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Cơ quan chức năng cũng lưu ý về trường hợp cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.
Người dân cần phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện đảm bảo an toàn, tự động ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Mỗi người dân nên tạo thói quen trước khi ra khỏi phòng, nơi làm việc phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Việc thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện cũng rất quan trọng bởi các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về phòng cháy chữa cháy do điện cần phát hiện kịp thời để khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Mỗi cơ quan, gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lôgia, lối lên mái, sang nhà bên cạnh. Việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như báo cháy tự động, báo rò rỉ khí gas, các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy là cần thiết để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Ngoài ra mỗi cơ quan và gia đình cũng cần trang bị phương tiện phá dỡ để mở lối thoát nạn; mặt nạ lọc độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói khi xảy ra hỏa hoạn.
Đặc biệt, nếu hộ gia đình có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.
Khi xảy ra cháy, người dân hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà, tại nơi làm việc biết để mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi phải di chuyển thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể và tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh; gọi điện báo ngay cho Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ theo số máy 114./.