Tỷ lệ tin tưởng vắcxin - một trong những sản phẩm y tế được sử dụng rộng rãi và hiệu quả nhất thế giới - ở những nước nghèo cao hơn so với những nước giàu - nơi chính những nghi ngờ về lợi ích của vắcxin đã và đang làm bùng phát các dịch bệnh nghiêm trọng trong đó có dịch sởi.
Đây là kết quả thăm dò dư luận, do Wellcome và công ty tư vấn và phân tích Gallup tiến hành, công bố ngày 19/6.
Để đưa ra kết luận trên, Gallup đã khảo sát ý kiến của 140.000 người trên 15 tuổi, tại 144 nước trên thế giới trong khoảng từ tháng 4-12/2018. Kết quả cho thấy trong khi tỷ lệ tin tưởng vắcxin của người dân ở khu vực Bắc Mỹ là 72%, ở Bắc Âu là 73%, thậm chí ở Đông Âu chỉ là 50% thì tại các khu vực có thu nhập thấp hơn, mức độ tin tưởng vắcxin lại cao hơn rất nhiều, đơn cử như Nam Á (95%) hay Đông Phi (92%).
[Các nước nghèo thường mua thuốc với giá đắt nhưng chất lượng kém]
Nếu Pháp là nước có tỷ lệ người dân tin vào hiệu quả và sự an toàn của vắcxin thấp nhất thế giới, khi có tới 33% số người được hỏi cho rằng vắcxin không an toàn, thì Bangladesh và Rwanda lại là những nước có tỷ lệ người dân tin tưởng lợi ích của vắcxin cao nhất, với gần 100% người được hỏi cho rằng vắcxin là thiết yếu và an toàn đối với trẻ nhỏ.
Khảo sát cũng cho thấy hầu hết các bậc phụ huynh đều lựa chọn vắcxin như một loại "vũ khí" giúp trẻ chống lại dịch bệnh, song do mức độ tin tưởng khác nhau nên nhiều loại bệnh có cơ hội bùng phát. Việc dịch sởi bùng phát trên diện rộng như tại Mỹ, Philippines và Ukraine hiện nay chủ yếu do mức độ tin tưởng vào vắcxin thấp.
Các chuyên gia y tế công cộng và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định tiêm vắcxin có thể giúp cứu sống 3 triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm và các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đều cho thấy sự an toàn và hiệu quả của loại "vũ khí" này. Tuy nhiên, để có được "sự miễn dịch cộng đồng," tỷ lệ tiêm vắcxin phải đạt trên 90% hoặc 95%.
Trên thực tế, thống kê cho thấy có tới 6% số bậc phụ huynh trên thế giới, tương đương 188 triệu người, không cho con em mình tiêm vắcxin, trong đó cao nhất là tại Trung Quốc (9%), Áo (8%) và Nhật Bản (7%). Do đó, các đơn vị tiến hành khảo sát hy vọng kết quả trên sẽ giúp chính phủ các nước nắm bắt được xu hướng của người dân, đưa ra chính sách đúng đắn cũng như đảm bảo người dân có thể tiếp cận nguồn thông tin chuẩn xác./.