Ngày 11/11, các tổ chức công đoàn lớn ở Brazil đã phát động cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc nhằm phản đối Chính phủ của Tổng thống Michel Temer với sự hưởng ứng của hàng trăm nghìn người dân nước này, khiến các hoạt động tại 20 bang bị tê liệt.
Hàng nghìn người lao động đã đình công ở Brasilia khiến dịch vụ giao thông công cộng bị ngừng trệ, thành phố tràn ngập trong rác thải bởi các nhân viên ngành môi trường cũng hưởng ứng lời kêu gọi đình công của Trung tâm những người lao động (CUT).
Tại Fortaleza, gần 20.000 người đã xuống đường phản đối tình trạng người lao động mất việc làm và tình hình kinh tế trì trệ, không có bất cứ tín hiệu tích cực nào kể từ khi ông Temer lên nắm quyền. 4.000 giáo viên đã tham gia đình công đòi tăng lương.
Tại Porto Alegre, cảnh sát đã sử dụng đạn hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình, phản đối việc Quốc hội thông qua dự luật do chính phủ trình để đóng băng các khoản đầu tư vào dịch vụ công cộng sau 20 năm, cũng như nhiều chính sách cải cách liên quan tới bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Tại nhiều nơi, người biểu tình cũng dương cao biểu ngữ phản đối Tổng thống Temer cho phép các công ty đa quốc gia tham gia khai thác nguồn dầu khí tại tầng muối trên biển Đại Tây Dương, cũng như yêu cầu chính phủ cần nắm giữ vai trò điều phối nguồn của cải trong xã hội.
Ông Temer nhậm chức hôm 31/7 vừa qua sau khi người tiền nhiệm Dilma Rousseff bị Quốc hội phế truất.
Quốc gia Nam Mỹ này hiện đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nền kinh tế nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018.
Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng -3,8%, mức tồi tệ nhất trong 25 năm và lạm phát là 10,67%, mức cao nhất trong 12 năm qua.
Bên cạnh đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50% và nợ công tương đương 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)./.